Giải pháp phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông
Tỉnh Đắk Nông là 1 trong 11 tỉnh được Chính phủ lựa chọn để thực hiện dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030 và huyện Đắk Glong là đơn vị triển khai dự án.
Xuống giống trồng thử nghiệm vùng dược liệu Ngưu tất tại bon Phi Gle, xã Quảng sơn
Dự án Vùng trồng dược liệu quý huyện Đắk Glong hướng đến mục tiêu hình thành hệ thống “chuỗi giá trị” phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực triển khai dự án; tăng thu nhập ngân sách của huyện nghèo khi triển khai dự án, góp phần giảm tỷ lệ nghèo; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo “chuỗi giá trị”, đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng, ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo phát triển bền vững; tạo công ăn việc làm và có thu nhập ổn định cho trên 762 lao động trực tiếp của Dự án khi đi vào hoạt động và nhiều lao động xã hội khác.
Mặc dù hội tụ đầy đủ các yếu tố như diện tích đất ba-zan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, nguồn lao động dồi dào, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển một số cây dược liệu trên quy mô lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư trồng cây dược liệu tại huyện Đắk Glong nói riêng, toàn tỉnh nói chung chỉ mới manh nha phát triển trong những năm gần đây. Việc trồng, chế biến dược liệu chưa được đồng bộ, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị đặc trưng, liên kết hình thành vùng hàng hóa bền vững còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu còn thấp, chưa xứng đáng với quỹ đất phát triển nông nghiệp của tỉnh. Chưa xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ và phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư và địa phương nhằm đẩy mạnh khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực bảo tồn, nuôi trồng, sơ chế, chế biến các thành phẩm từ dược liệu. Một số công ty, hợp tác xã được hình thành tại các vùng trồng, tuy nhiên do chưa xác định rõ sản phẩm tạo ra, thị trường chưa ổn định nên nhiều dược liệu trồng không tiêu thụ được. Một số nơi người dân trồng dược liệu còn mang tính tự phát. Sản phẩm tạo ra từ dược liệu còn hạn chế, chủ yếu ở dạng dược liệu thô (sấy khô), hoặc được chế biến nhưng chưa có số đăng ký, đặc biệt chưa có sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn OCOP.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã thống nhất một số giải pháp nhằm phát triển công tác dược liệu trên địa bàn nói chung cũng như tạo điều kiện để triển khai thực hiện thành công Dự án đầu tư vùng dược liệu tại huyện Đăk Glong.
Thứ nhất, cần khoanh vùng bảo tồn cây dược liệu. Theo đó, tỉnh sẽ khoanh vùng bảo tồn tại chỗ 49 loài cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị tại 3 địa điểm bảo tồn là: Vườn quốc gia Tà Đùng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và khu vực thuộc xã Quảng Trực. Định kỳ tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý hiếm, có giá trị làm cơ sở cho công tác bảo tồn và phát triển dược liệu bền vững. Xây dựng các vườn lưu giữ và bảo tồn nguồn gen tại Vườn quốc gia Tà Đùng và Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung. Các nguồn gen cây thuốc quý hiếm, đặc hữu, có giá trị được lưu giữ và nhân giống phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu, chọn tạo giống.
Thứ hai, phát triển trồng cây dược liệu. Căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, đặc điểm sinh thái của cây dược liệu, nhu cầu sử dụng cũng như diện tích đất trồng cây dược liệu đã có, đề xuất phát triển 16 loài cây dược liệu tại 5 tiểu vùng sinh thái của tỉnh Đắk Nông bao gồm: Tiểu vùng 1 tại huyện Cư Jút (tập trung ở xã Đăk Wil); Tiểu vùng 2 - Cư Jút, tập trung ở các xã: Đăk Drông, Cư Knia, Ea Tling, Trúc Sơn), Krông Nô (xã Đăk Drô); Tiểu vùng 3 - Krông Nô (các xã: Nam Xuân, Nam Đà, Đăk Sôr, Buôn Choah, Tân Thành, Nam Nung, Nam N’Dir, Đức Xuyên, Quảng Phú), Đăk Mil (xã Đăk Gằn), Đăk Glong (phía Đông xã Quảng Hòa), Đăk Song (phía Đông xã Đăk Môl); Tiểu vùng 4: Chiếm diện tích lớn nhất: Đăk Mil (toàn huyện trừ phần phía Đông thuộc xã Đăk Gằn), Đăk Song (toàn huyện trừ một phần phía Đông thuộc xã Đăk Môl và một phần xã Nam N’Jang), Krông Nô (một phần xã Đăk Nang, Đức Xuyên), Đăk Glong (xã Quảng Sơn, phía Tây xã Quảng Hòa), Tuy Đức (toàn huyện), Đăk R’Lấp (các xã: Đăk Wer, Quảng Tín, Kiến Thành, Nhân Cơ, Nhân Đạo, Đăk Ru), TP Gia Nghĩa; Tiểu vùng 5: Đăk Glong (các xã: Đăk Ha, Đăk R’Măng, Quảng Khê, Đăk Som, Đăk Plao), TP Gia Nghĩa (một phần xã Đăk Nia).
Thứ ba, xây dựng cơ sở sản xuất giống dược liệu. Đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ nghiên cứu, nhân giống, sản xuất giống dược liệu, dự kiến quy mô 10 ha tại khu nông nghiệp công nghệ cao xã Đăk Nia, TP Gia Nghĩa. Đầu tư các hạng mục cải tạo đồng ruộng, vườn ươm, hệ thống tưới. Hình thành vườn giống gốc, vườn sản xuất giống của các loài cây dược liệu quy hoạch, chuyên sản xuất giống để cung cấp giống có chất lượng tốt cho thị trường hoặc đơn vị có chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Thứ 4, hỗ trợ xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại chỗ. Theo đó, sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khai thác và trồng cây dược liệu tại 8 huyện và thành phố Gia Nghĩa xây dựng hệ thống sơ chế, chế biến dược liệu tại chỗ (Nhà kính phơi sấy dược liệu bằng ánh nắng mặt trời, hệ thống sấy dược liệu bằng hơi nước). Các cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu phải đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn vệ sinh và tiêu chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) đối với cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu. Căn cứ vào sản lượng dược liệu thu hái từ tự nhiên và trồng trọt dự kiến qua các năm, định hướng đến năm 2030 xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu.
Thứ năm, xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị dược liệu trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các chuỗi (từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ) cho các sản phẩm cây dược liệu đảm bảo an toàn, chất lượng. Hình thành liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng). Nhân rộng phương thức sản xuất, tiêu thụ theo các đơn đặt hàng từ nhu cầu thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa tổ chức, cá nhân trồng/thu thái dược liệuvà tổ chức, cá nhân (thương lái, HTX, doanh nghiệp) bao tiêu sản phẩm. Nâng cao vai trò của hệ thống Trung tâm khuyến nông tỉnh và trạm khuyến nông các huyện; xác định vai trò khuyến nông không chỉ là cầu nối giữa nhà khoa học với người nông dân, mà còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp thu mua và chế biến nông sản với người nông dân. Chú trọng xây dựng mô hình trồng cây dược liệu theo chuỗi giá trị từ nguyên liệu đầu vào tới sản phẩm cuối cùng, từ khâu sản xuất tới phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Lồng ghép các dự án phát triển trồng cây dược liệu với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Nghiên cứu, đa dạng hoá sản phẩm từ các cây dược liệu đã được trồng với diện tích lớn. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu là lợi thế của địa phương để nâng cao giá trị cây dược liệu theo Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Kết hợp mô hình trồng cây dược liệu với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Xây dựng hệ thống quảng bá tiếp thị thương hiệu thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại của tỉnh, các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu của Đắk Nông sẽ tiếp cận được với nhiều đối tác đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Xây dựng chính sách, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Đắk Nông; đưa các sản phẩm dược liệu của Đắk Nông tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các đầu mối tại nước ngoài để đẩy mạnh tiêu thụ dược liệu.