A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khó khăn trong công tác quản lý trang thiết bị y tế

Chuyển mình từ một bệnh viện tuyến  huyện với 55 nhân viên thuộc bệnh viện huyện Đăk Nông và 09 bác sĩ được tăng cường từ bệnh viện Đăk Lăk. Đến nay, bệnh viện đa khoa tỉnh Đăk Nông có tổng số 419/458 cán bộ, nhân viên theo biên chế giao. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của dự án ADB, ngành y tế đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị y tế (TTBYT) hiện đại, bước đầu đã nâng cao công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện được nhiều danh mục kỹ thuật hiện đại với tổng số danh mục kỹ thuật đã phê duyệt là 9.703 danh mục, trong đó: đúng tuyến 9.322 danh mục, đạt 64,89% ,vượt tuyến là 381 danh mục. Một số kỹ thuật tiên tiến hiện đại bệnh viện thực hiện được như phẫu thuật sọ não; phẫu thuật vi phẫu; phẫu thuật kết hợp xương hiện đại; phẫu thuật nội soi khớp gối; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, phẫu thuật nội soi tiết niệu,...

Tổng số TTBYT tại bệnh viện là 871 chủng loại máy, thiết bị khác nhau. Trong đó một số thiết bị hoạt động thường xuyên, đạt hiệu quả cao, kỹ thuật cao, rất cần thiết cho việc chẩn đoán, điều trị bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như máy CT scanner, máy nội soi chẩn đoán, máy thở, máy Xquang tăng sáng truyền hình; máy Siêu âm màu; máy Sinh Hóa tự động HITACHI... chiếm tỉ lệ 60,3 % .

Bênh cạnh đó cũng tồn tại một số TTBYT đã cũ, hỏng và có những thiết bị đã sửa chữa nhiều lần (chiếm tỷ lệ 16,15 %). Các khoa có thiết bị xin trả lại nhiều,  như  khoa Hồi sức - Cấp cứu 17 thiết bị, khoa Gây mê - Hồi sức tích cực 18 thiết bị, khoa Ngoại 09 thiết bị... Đối với những TTBYT hư hỏng rất khó tìm được linh kiện thay thế, chính vì vậy một số lớn TTBYT cũ, hỏng, sửa chữa nhiều lần đến nay đã không sử dụng được.

Việc mua sắm, đấu thầu TTBYT chủ yếu dựa trên năng lực của đơn vị. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch COVID việc mua sắm vật tư, TTBYT trở nên khó khăn về nhiều mặt như: tiếp cận đơn vị cung ứng, khó khăn trong việc lựa chọn cấu hình, công nghệ và tìm hiểu giá của TTBYT do thiếu thông tin để đánh giá, kiểm chứng... Các thủ tục mua sắm vật tư, y dụng cụ, linh kiện thay thế thường quy, gặp rất nhiều khó khăn về thanh quyết toán dẫn tới không mua được, không sửa chữa thay thế linh kiện được, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của đơn vị. Việc tiếp nhận, kiểm kê, theo dõi hoạt động, hiệu chuẩn, kiểm định TTBYT còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chính là do biểu mẫu thống kê chưa thống nhất, chưa có các hướng dẫn chi tiết về các thông số cần theo dõi nên các đơn vị gặp lúng túng trong thực hiện, chưa có quy định bắt buộc thực hiện hiệu chuẩn...

Một trong những nguyên nhân tác động đến hiệu quả sử dụng của TTBYT là nhân lực y tế. Trên thực tế, số lượng nhân lực được tập huấn, hướng dẫn có thể quản lý, sử dụng TTBYT là rất ít. Chỉ có khoảng 80% cán bộ của phòng/tổ Vật tư-TTBYT và chưa đến 50% cán bộ phụ trách TBYT tại Khoa từng được đào tạo hoặc tập huấn về quản lý TTBYT. Nội dung được đào tạo chủ yếu là về cách vận hành, theo dõi và bảo dưỡng, sửa chữa đơn giản.

Công tác quản lý TBYT hiện thuộc nhiều đầu mối khoa phòng khác nhau,  chịu trách nhiệm quản lý chung là Phòng/Tổ Vật tư-TTBYT.  Do chưa có văn bản hướng dẫn, chưa có yêu cầu bằng cấp cho vị trí này nên số lượng nhân lực hoàn toàn dựa trên quyết định của lãnh đạo đơn vị. Tỷ lệ nhân lực đã được đào tạo đúng chuyên ngành, phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn quản lý, đảm bảo kỹ thuật TBYT chỉ chiếm tỉ lệ thấp.  Nhân lực sửa chữa trang thiết bị ít, trình độ hạn chế, hiện nay chỉ có 02 kỹ thuật viên, nên đơn vị đã gặp không ít khó khăn trong sửa chữa, bảo trì... Do đó,  phần lớn TTBYT được phân công cho các y, bác sĩ, điều dưỡng vận hành và quản lý. Tuy nhiên, có nhiều cán bộ được đào tạo sau đó đã xin nghỉ việc dẫn đến không có người quản lý, vận hành TTBYT.

Cùng với đó là các Nghị định mới ra đời ngày càng yêu cầu quản lý sử dụng TTBYT chặt chẽ, các cơ sở khám chữa bệnh phải chấp hành các các quy định pháp lý của Nhà nước, quy định quản lý của các cơ quan có thẩm quyền. Qua tổng quan văn bản pháp quy, hầu hết các hoạt động quản lý, đảm bảo kỹ thuật TTBYT trong quá trình sử dụng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật các cấp từ luật đến nghị định, thông tư, quyết định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn thiếu các quy định cụ thể về phân công trách nhiệm, phân loại, quy định về thời hạn sử dụng TTBYT cũng như vật tư linh kiện đi kèm.

Tại Tỉnh Đăk Nông hiện vẫn chưa có các đơn vị, công ty đầy đủ pháp lý về sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định TTBYT; chưa có các kỹ sư chuyên nghiệp. Các kỹ sư và các công ty có đầy đủ pháp lý hiện nay đều có trụ sờ tại các Thành phố lớn như Hà nội, thành phố HCM, Đà nẵng,... Khi đơn vị làm hợp đồng sửa chữa, bảo trì TTBYT, các công ty đều yêu cầu chi phí cao do đơn vị ở xa,  nhiều công ty không mặn mà do tính toán chi phí lợi nhuận cho công ty quá thấp.

Chi phí cho các hoạt động sửa chữa, thay thế linh kiện, kiểm định, hiệu chuẩn, kiểm xạ, cấp liều kế cá nhân cho nhân viên X-quang, chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, bảo trì, bảo dưỡng,... quá cao trong khi nguồn thu của cơ sở y tế ngày càng hạn hẹp.

Để góp phần nâng cao chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngành y tế cần có những giải pháp cụ thể như: xây dựng, ban hành phát triển danh mục kỹ thuật, mua sắm TTBYT, cải tiến chất lượng Bệnh viện; tổ chức bộ máy, nhân lực và đào tạo quản lý TTBYT tại bệnh viện; cần bố trí kinh phí để quản lý, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng hợp lý để duy trì và kéo dài tuổi thọ của TTBYT tại các khoa thuộc nguồn vốn ODA và các nguồn khác; thanh lý những TTBYT đã cũ, hỏng không còn phù hợp với nhu cầu thực tế tại bệnh viện. Bên cạnh đó, cần điều chuyển TTBYT cho hợp lý tại các khoa phòng và các cơ sở y tế trong tỉnh; bổ xung TTBYT tại các khoa phòng theo yêu cầu đề xuất của các khoa cũng như theo danh mục thiết bị y tế của bộ y tế đối với bệnh viện tuyến tỉnh theo đề xuất của các khoa phòng và định hướng phát triển của bệnh viện./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website