A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển ngành dược dựa trên tiềm năng, thế mạnh

Ngành dược đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, do vậy, cần sự đóng góp trí tuệ để xác định mục tiêu phát triển. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để đưa ra dự thảo và tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cho dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 (Chiến lược). Dự thảo Chiến lược không chỉ đề ra mục tiêu thực hiện của Chính phủ, mà của cả hệ thống chính trị nhằm nâng tầm lĩnh vực y tế và chất lượng chăm lo sức khỏe cho người dân.

Mô hình trồng cây dược liệu ở Cư Knia, Cư Jut

              Thành quả ngành dược địa phương

Tại Đăk Nông, hầu hết các đơn vị, địa phương đã quan tâm chỉ đạo quy hoạch một số khu vực tập trung, mở rộng phát triển các loại dược liệu có thế mạnh và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như đầu tư, hỗ trợ áp dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu.

Trên địa bàn tỉnh đã phát triển các hợp tác xã (HTX) trồng và chế biến dược liệu như HTX Dược liệu An Phúc Khang, xã Đắk Ha (Đắk Glong) trồng và thu mua trên 20 ha, với 50 loại dược liệu tự nhiên; HTX Nông, lâm nghiệp Nam Hà, ở thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) trồng 50 ha gấc và chế biến các sản phẩm từ gấc; HTX Đông trùng hạ thảo Rồng Vàng (Krông Nô) hằng năm sản xuất 36kg sấy thăng hoa và 24.000 hộp tươi.

Trong thu hút đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án đầu tư kinh doanh phát triển dược liệu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có tổng số vốn đầu tư 42,4 tỷ đồng, với tổng diện tích gần 38 ha.

Bên cạnh đó, nhiều loại dược liệu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam được tìm thấy tại rừng tỉnh Đăk Nông như: bổ cốt toái, vàng đắng, chè dây, bách bệnh… có trữ lượng lớn. Vì vậy, công tác lập quy hoạch để phục hồi và nhân rộng một số loại dược liệu quý hiếm dưới tán rừng đang được hoàn thiện.

Hiện tại, tỉnh đã có 5 ha dược liệu độc hoạt của Công ty Cổ phần Nicotex trồng tại thôn 6, xã Nam Bình (Đăk Song), được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nuôi trồng thu hái dược liệu” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Qua thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu bước đầu đã hình thành, tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tầm nhìn chiến lược

Trong quá trình phát triển hiện nay, cần làm rõ khả năng tự sản xuất nguồn dược liệu, nguyên liệu trong nước. Thứ hạng của ngành dược Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất và chất lượng sản phẩm so với thế giới. Độ cân bằng giữa phát triển ngành dược hiện đại với ngành y học dân tộc, y học cổ truyền, dược liệu y học thân thiện để phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có. Năng lực của ngành dược trong tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu dùng dược toàn cầu; cũng như khả năng thu hút các nhà đầu tư, chủ nguồn dược liệu và chuyển giao công nghệ… Đây là các mục tiêu phải hoàn thiện. Chiến lược đưa ra phải có đường hướng, lộ trình rõ ràng để đảm bảo thực hiện được. Các mục tiêu trong Chiến lược phải khả thi, cạnh tranh, hiệu quả, tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không duy ý chí, tham gia vào chuỗi giá trị, cung ứng thuốc của các doanh nghiệp dược hàng đầu thế giới, nâng cao thứ hạng của ngành dược Việt Nam.

Một số mục tiêu cụ thể trong Chiến lược bao gồm: Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường; đáp ứng 100% nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng, 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ; chuyển giao công nghệ, sản xuất ít nhất 100 loại thuốc phát minh, vaccine, sinh phẩm và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được…

Ngành dược thiếu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, từ năm 2011 đến nay, ngành dược đã bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng và chữa bệnh. Sản xuất thuốc mở rộng về quy mô với 228 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó có 18 dây chuyền đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Tổng giá trị thị trường dược phẩm năm 2022 ước khoảng 6,2 tỷ USD. Tỉ lệ thuốc không đạt chất lượng duy trì ở mức dưới 2%. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 11/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hoạt động quản lý phân phối, cung ứng thuốc ngày càng được chuẩn hoá, chuyên nghiệp, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân.

Tuy nhiên, nhiều nhà máy thuốc trong nước chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất các dạng bào chế, tập trung vào những loại thuốc thông thường, thuốc đánh giá tương đương sinh học với thuốc phát minh (thuốc generic); chưa tiếp cận, áp dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật bào chế mới, sản xuất thuốc chuyên khoa, đặc trị, thuốc phát minh (biệt dược gốc). Hơn 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ngành dược còn thiếu nhân lực trong lĩnh vực dược lâm sàng, quản lý chất lượng, nghiên cứu phát triển thuốc mới. Sử dụng thuốc trong điều trị chưa hợp lý.

Vì vậy, dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Chiến lược) hướng đến sản xuất thuốc phát minh, có dạng bào chế mới, hiện đại; tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm…


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website