A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Đắk Nông sau 03 năm triển khai thực hiện nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý

Tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế và tiềm năng trong việc phát triển dược liệu. Với diện tích rừng trên 90.000ha, điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp, đây là mảnh đất hứa hẹn trong việc phát triển các giống cây dược liệu, bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý.

Người dân chăm sóc vườn cây dược liệu

Xác định dược liệu là cây trồng mũi nhọn, tỉnh Đắk Nông đã ban hành quy hoạch, nghị quyết, kế hoạch để phát triển sản xuất cây dược liệu theo định hướng hàng hóa. Đến nay tổng diện tích cây dược liệu chiếm khoảng 5.000 ha, trong đó trồng dưới tán rừng 4.600 ha, trồng thu hoạch hàng năm 400 ha.

 Trong những năm qua, Hội Đông y tỉnh đã thực hiện đề tài sưu tầm và thử nghiệm trồng, nhân giống các cây thuốc quý tại địa phương. Kết quả, đã đưa 130 loài cây thuốc từ rừng về nuôi trồng, số cây trồng thành công là 116 loài. Trong đó chia làm 02 địa điểm: 01 vườn tại Phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa, diện tích 150m2 và 01 vườn thuộc thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, diện tích 350m2.

UBND tỉnh Đắk Nông lựa chọn huyện Đắk Glong là nơi triển khai thực hiện Dự án đầu tư phát triển vùng trồng Dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Dự án), giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Để hướng dẫn triển khai Dự án, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐND ngày 25/4/2023 quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia gia đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; UBND huyện Đắk Glong ban hành kế hoạch triển khai dự án giai đoạn 2021-2025 nhằm lựa chọn đơn vị chủ trì liên kết và ban hành Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định dự án.

Đến nay, UBND huyện Đắk Glong đã nhận được 03 hồ sơ của 03 doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện dự án; kết quả có 02 hồ sơ đảm bảo theo yêu cầu. Hội đồng thẩm định dự án đã tiến hành họp đánh giá, bỏ phiếu đối với 02 hồ sơ đăng ký tham gia; kết quả đã chọn được đơn vị chủ trì liên kết.

Hiện nay, UBND huyện Đắk Glong đang tiến hành rà soát quy hoạch khu xây dựng nhà máy chế biến dược liệu thuộc chương trình dự án dược liệu quý, phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung của dự án trong năm 2024; xác định một số loại dược liệu để tiến hành thực hiện các mô hình thí điểm trước khi đưa vào triển khai sản xuất diện tích lớn. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định đầu tư Dự án hỗ trợ, phát triển vùng trồng dược liệu quý theo đúng quy định.

Sau 3 năm thực hiện, việc triển khai dự án trên địa bàn tỉnh còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Dự án dược liệu quý là một trong những chương trình, chính sách mới. Chính vì vậy, việc tổ chức triển khai thực hiện còn lúng túng, tiến độ triển khai còn chậm. Việc ban hành cơ chế chính sách phải đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, cũng gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai tại địa phương. Nội dung dự án triển khai rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau dẫn đến có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng lại chưa cụ thể, việc nghiên cứu các văn bản mất nhiều thời gian. Đối tượng tham gia dự án chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế nên việc triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật gặp khó khăn cũng như bảo đảm cam kết trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đối với các dự án đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu, đầu ra đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, một số loại cây dược liệu mà doanh nghiệp và người dân địa phương có nhu cầu sản xuất diện tích lớn như tía tô, ngải cứu… không có trong danh mục 100 cây dược liệu của Bộ Y tế.

Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tỉnh Đắk Nông định hướng thực hiện quyết, liệt đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả dự án trên địa bàn. Trong đó chú trọng việc khoanh vùng bảo tồn cây dược liệu, xây dựng các vườn lưu giữ và bảo tồn nguồn gen tại Vườn quốc gia Tà Đùng và Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung và các tiểu vùng sinh thái của tỉnh Đắk Nông.

  Bên cạnh đó, địa phương cũng quan tâm xây dựng cơ sở sản xuất giống dược liệu nhằm phục vụ nghiên cứu, nhân giống, sản xuất giống dược liệu. Dự kiến xây dựng tại khu nông nghiệp công nghệ cao xã Đắk Nia với quy mô: 10 ha. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu tại chỗ, và xây dựng mô hình phát triển chuỗi giá trị dược liệu; lồng ghép các dự án phát triển trồng cây dược liệu với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030. Thông qua các cơ quan xúc tiến thương mại của tỉnh, các chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu của Đắk Nông; kết hợp mô hình trồng cây dược liệu với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website