A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng do vi rút varicella-zoster gây ra, bệnh hay gặp khi chuyển mùa từ mùa xuân sang mùa hạ. Vi rút gây bệnh bằng cách xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên và cũng có thể là đường tiêu hoá, kết mạc mắt nhưng hiếm gặp. Phần lớn bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp, khi một người mang vi rút varicella-zoster nói, hắt hơi hoặc ho... thì các vi rút theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài, người khác hít phải những giọt bắn có mang theo vi rút sẽ trực tiếp nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh thuỷ đậu còn có thể lây gián tiếp từ việc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết, dịch từ các mụn nước vỡ có mang theo vi rút, thông qua đôi tay của người lành khi tiếp xúc với giọt bắn hoặc dịch tiết vương vãi trên bề mặt các vật dụng. Bệnh có thể lấy từ trước khi xuất hiện mụn nước 1 – 2 ngày.

 

Thời gian ủ bệnh khoảng 10-14 ngày, có trường hợp kéo dài đến 20 ngày Trong giai đoạn ủ bệnh, người bị thủy đậu sẽ khó phát hiện các biểu hiện bất thường, đến khi bệnh khởi phát các biểu hiện mới dần được bộc lộ. Khi bắt đầu phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, chán ăn, nôn ói, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, 1 - 2 ngày sau đó, trên da người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn ngứa và ban dạng phỏng nước màu đỏ rải rác khắp các vùng da, với đường kính vài mm, bắt đầu ở vùng đầu, mặt rồi lan ra toàn thân. Đến giai đoạn toàn phát, trong vòng 1 ngày sau đó, ban đỏ chuyển thành mụn nước hình tròn, với đường kính 1-3mm, chứa chất dịch bên trong màu trắng hoặc trắng đục, nếu bội nhiễm vi khuẩn thì bọng nước sẽ lớn hơn, có màu vàng và hoá mủ. Ban mọc nhiều ở vùng ngực, lưng, có khi dày đặc ở mặt và thân mình, chân tay cũng có ban dạng mụn nước nhưng ít hơn. Ban mọc nhiều đợt trên cùng một vùng da, do đó người bệnh sẽ thấy ban mọc ở nhiều mức độ khác nhau từ nốt sẩn, bọng nước trong, bọng nước đục hoặc đóng vảy. Người mắc bệnh thủy đậu có thể nổi từ vài mụn nước cho đến hàng trăm mụn nước trên cơ thể. Các mụn nước hình thành trong 1- 2 ngày, sau đó vỡ và rỉ dịch. Các mụn nước bị vỡ để lại mày do dịch tiết khô bám trên tổn thương, mày rụng đi để lại vết thương nông hoặc hơi lõm, màu hồng, nhẵn và thường không để lại sẹo trừ khi mụn nước bội nhiễm và gây tổn thương sâu trên da. Bệnh thủy đậu thường nhẹ ở trẻ em khỏe mạnh nhưng ở một số trường hợp, ban có thể bao phủ toàn bộ cơ thể, có thể hình thành tổn thương ở cổ họng, mắt và niêm mạc niệu đạo, hậu môn và âm đạo. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh thuỷ đậu và trẻ em từ 5 tháng tuổi đến 10 tuổi là đối tượng dễ nhiễm vi rút nhất. Ở người lớn tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ít hơn, do đã có miễn dịch. Người đã mắc bệnh thủy đậu thì thường có miễn dịch bền vững suốt đời. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp tái nhiễm, những trường hợp này rất hiếm, nếu có tái nhiễm thì các triệu chứng của bệnh cũng thường nhẹ hơn, không sốt và ít mụn nước hơn.

Thủy đậu là căn bệnh ít để lại biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các biến chứng nguy hiểm này sẽ xuất hiện nếu người bệnh không được điều trị đúng cách. Các biến chứng có thể kể đến là  Nhiễm khuẩn, Zona thần kinh, Viêm phổi, Viêm màng não, viêm não, hội chứng reye ở trẻ em ...

Nhiễm khuẩn da, mô mềm, xương, khớp và nhiễm trùng máu là biến chứng thường gặp nhất.

Viêm não là biến chứng có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, nhưng người lớn gặp nhiều hơn, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời. Biến chứng thường xuất hiện sau 1 tuần khi người bệnh nổi mụn nước. Khi gặp biến chứng này, người bệnh có thể kèm theo các triệu chứng sốt cao, hôn mê, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu. Biến chứng này có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Viêm phổi thủy đậu với biểu hiện ho nhiều, ho ra máu, khó thở, tức ngực là biến chứng thủy đậu thường xảy ra ở người trưởng thành, vào ngày thứ 3 – 5 sau khi bệnh khởi phát.

Bệnh Zona, những người mắc bệnh thủy đậu sau khi đã khỏi hẳn, một số virus Varicella Zoster vẫn tồn tại và cư trú ở các hạch thần kinh. Nhiều năm sau, nếu hệ miễn dịch suy yếu thì vi rút đó có thể tái hoạt động và tái phát thành bệnh zona.

 Hội chứng Reye là bệnh lý não - gan, chủ yếu xuất hiện ở trẻ em sau khi hồi phục từ căn bệnh nhiễm virus cấp tính như bệnh cúm và thủy đậu, hội chứng này hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Hội chứng Reye gồm hai nhóm chính là hội chứng não cấp và hội chứng thoái hóa mỡ ở các phủ tạng như não, thận, tim và đặc biệt là thoái hóa gan. Bệnh lý này có nguy cơ gây tử vong ở trẻ em.

Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, vi rút sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh, trẻ sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi. Ngoài ra, người bệnh thủy đậu còn có thể gặp một số biến chứng như viêm tai giữa, tai ngoài, viêm niêm mạc miệng, viêm cơ tim, viêm hạch lympho, viêm dây thần kinh, viêm thanh quản do các mụn thủy đậu mọc ở thanh quản…

Việc chẩn đoán bệnh thủy đậu chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng  và các yếu tố dịch tễ  như: người bệnh chưa tiêm vắc xin và chưa mắc thuỷ đậu, người đang sống, học tập làm việc trong ổ dịch hoặc trong thời điểm địa phương đang có ca bệnh thuỷ đậu hoặc người bệnh được xác định đã bị lây nhiễm vi rút trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần trước đó,… hoặc dựa vào cận lâm sàng như xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh, xét nghiệm PCR…

Phòng bệnh Thuỷ đậu:

Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ khi trẻ được 12 tháng tuổi.

Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.

Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.

Điều trị bệnh thủy đậu:

Người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc như: 

Thuốc giảm đau: thuốc này giúp xoa dịu cơn đau do thủy đậu gây ra, đặc biệt là các tổn thương vùng miệng, hầu họng, thanh quản.

Thuốc hạ sốt: khi có sốt cao trên 3805

Thuốc bôi tại chỗ: có thể sử dụng Xanh Methylen để bôi giúp chống bội nhiễm da, chỉ cần bôi những mụn nước đã bị vỡ.

Thuốc kháng Histamin: có công dụng giảm ngứa hiệu quả.

Một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc chống vi rút để   cải thiện tình trạng bệnh. 

Thủy đậu là bệnh lý phổ biến, dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp kịp thời và đúng cách bệnh vẫn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nếu phát hiện các dấu hiệu của bệnh, người nhà cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và điều trị hoặc hướng dẫn điều trị tại nhà đối với các trường hợp nhẹ./.

 


Tác giả: BS ÊBan Sơn

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website