Công tác chăm sóc sức khỏe vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được chú trọng
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của ngành Y tế, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như triển khai nội dung Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Các chỉ tiêu cơ bản về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đều được đưa vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, ban hành. Hầu hết các chỉ tiêu đưa ra đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đây là thành tựu quan trọng của ngành Y tế trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2024, các chỉ tiêu về nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân tại các xã có triển khai can thiệp tại khu vực III thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 24%. Phụ nữ mang thai được tầm soát, sàng lọc trước sinh đạt 19%; trẻ sơ sinh được tầm soát, sàng lọc đạt 24%; người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 58%; người sử dụng dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình đạt 58%.
Đối với các chỉ tiêu về chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời gồm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng nhẹ cân đạt 16,5%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt 24,7%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể gầy còm đạt 4,3%; tỷ lệ phụ nữ có thai được cấp sản phẩm dinh dưỡng từ khi mang thai đạt 60%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên 6 đến 23 tháng tuổi được cấp sản phẩm dinh dưỡng bao gồm cả trường hợp khẩn cấp, mất mùa, thiên tai dịch bệnh đạt 80%; tỷ lệ triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời đạt 40%.
Công tác chăm sóc sức khỏe, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em đạt nhiều kết quả cao. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 97%; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ đạt 65,7%. Tỷ lệ cô đỡ thôn bản đang hoạt động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp 100%. Công tác hoạt động tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em được chú trọng, góp phần nâng cao tỷ lệ các bà mẹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được nhiều thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc trẻ nhỏ. Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ có thai tự nhận biết được ít nhất 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ mang thai, 3 dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ sau sinh và 3 dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh đạt 85%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận ít nhất 1 tài liệu truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đạt 100%.
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn còn những bất cập và hạn chế. Hệ thống tổ chức y tế còn nhiều thay đổi, chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, số lượng cán bộ y tế còn thiếu, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa; chất lượng môi trường làm việc, sinh sống, chế độ dinh dưỡng chưa được chú trọng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải quan tâm đúng mức. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở các nhóm đối tượng vẫn chưa được cải thiện. Để giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới ngành Y tế tiếp tục cải thiện sức khỏe của người dân tộc thiểu số về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ. Tăng cường công tác y tế cơ sở để đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại. Tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ các dịch bệnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực y tế như bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng và các ngành thuộc nhóm ngành kỹ thuật y học góp phần đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân./.