Những điều cần biết về bệnh uốn ván
Uốn ván là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nên bởi trực khuẩn Clotridium Tetani và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương. Đặc điểm lâm sang là những cơn co giật cứng hoặc trạng thái co cứng liên tục. Khởi đầu là co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, cơ ở thân mình và tứ chi.
Clotridium Tetani là trực khuẩn kỵ khí, gram (+), có khả năng tự tạo thành nha bào để tồn tại trong môi trường tự nhiên. Nha bào uốn ván gặp nhiều ở trong đất, phân người và súc vật. Nha bào uốn ván có sức chịu đựng cao với nhiệt và các thuốc sát trùng. Clotridium Tetani sinh ngoại độc tố hướng thần kinh và gây bệnh do ngoại độc tố này.
Đường lây: Nha bào xâm nhập cơ thể qua các vết thương từ da và niêm mạc. Vết thương có thể nhỏ và kín đáo như vết kim tiêm, ngoáy tai, xỉa rang, gai đâm… đến các vết thương lớn, rộng nhiều ngóc ngách gặp trong lao động, chiến đấu. Đôi khi có thể gặp sau phẫu thuật, nạo thai, cắt rốn… với các dụng cụ bị nhiễm nha bào uốn ván.
Độ cảm nhiễm: Mọi lứa tuổi đều có thể mắc phải uốn ván nếu:
- Không được tiêm vắc xin phòng uốn ván, hoặc được tiêm nhưng không đúng cách, không đủ liều sẽ không có miễn dịch hoặc miễn dịch chưa có thời gian bảo vệ đủ dài.
- Có vết thương ở da và niêm mạc bị nhiễm nha bào uốn ván.
- Có tình trạng thiếu ô xy ở vết thương do miệng vết thương bị bịt kín, tổ chức bị hoại tử nhiều, thiếu máu, có dị vật ở vết thương, có vi khuẩn gây mủ khác kèm theo…
Bệnh uốn ván không có miễn dịch tự nhiên nên tất cả những người chưa được tiêm vắc xin đều có thể bị bệnh. Sau khi mắc bệnh được chữa khỏi cơ thể không sinh miễn dịch, nhưng sau khi tiêm giải độc tố (Anatoxine) cơ thể sẽ sinh miễn dịch tương đối bền vững.
Bệnh uốn ván không do chính mầm bệnh gây nên mà do độc tố hướng thần kinh của nó gây nên. Độc tố uốn ván từ vết thương lan truyền đến thần kinh trung ương theo đường thần kinh hướng tâm và đường máu. Độc tố gắn vào các tế bào thần kinh ở các trung tâm vận động tại các tổ chức lưới, cầu não, hành não và tủy sống, ngăn cản sự giải phóng các chất trung gian hóa học như Glycin, Gama amino Butyric Acid (GABA) có tác dụng ức chế sự hoạt động của neuron vận động alpha ở sừng trước tủy sống. Do đó làm mất khả năng ức chế hoạt động của neuron vận động alpha dẫn đến co cứng cơ. Mỗi khi có kích thích bên trong hoặc bên ngoài cơ thể sẽ xuất hiện các cơn co giật cứng.
Thời kỳ xâm nhập:
Khi trực khuẩn xâm nhập vào cơ thể có thể có dấu hiệu báo trước như đau nhứt nơi vết thương, co giật các thớ cơ xung quanh vết thương. Thời kỳ xâm nhập kéo dài từ 5 – 20 ngày, trung bình thường 7 ngày.
Thời kỳ khởi bệnh: với triệu chứng chính đầu tiên là cứng hàm, lúc đầu chỉ là khó mở miệng, tiếp đến là cứng hơn và khó mở miệng hơn. Các triệu chứng khác đi kèm như đau toàn thân, đau cơ nhẹ, có thể đã có dấu hiệu khó nuốt, co cơ vùng mặt, cứng gáy, nhịp tim nhanh với trạng thái lo âu, mất ngủ. Giai đoạn này chỉ kéo dài được 1-3 ngày, trường hợp nặng chỉ trong vài giờ đã chuyển sang giai đoạn toàn phát.
Thời kỳ toàn phát: Cứng hàm trở nên điển hình hơn, có thể sờ và nhìn thấy, gây khó nói, khó nuốt khi ăn uống, hàm khít rõ rệt. Co cứng cơ vùng mặt, co cứng cơ cổ, cơ gáy làm cổ ưỡn cong lên và cứng gáy. Co cứng cơ lung, đôi khi uốn cong như lung tôm hoặc uốn cong nghiêng về một bên. Co cứng cơ ngực, cơ bụng, cơ hoành, làm các múi cơ nổi rõ di động theo nhịp thở kém, thở nông, sờ bụng cứng như gỗ. Co cứng chi, tay thường ở tư thế gấp, chân duỗi thẳng cứng. Co thắt cơ họng và thanh quản gây khó nuốt, khó thở, khó nói, đau họng. Co cơ ở tầng sinh môm gây bí tiểu, táo bón.
Trên nền co cứng cơ toàn thân, liên tục xuất hiện các cơ giật cứng kịch phát. Cơn giật thường xuất hiện khi có các kích thích như tiếng động, ánh sang chiếu trực tiếp, khám, tiêm chích, hút đờm… hoặc có thể tự phát. Tần xuất cơn co giật tăng dần có khi co giật liên tục. Cơn co giật thường rất mạnh, gây đau đớn cho bệnh nhân, làm bệnh nhân lo âu, sợ hãi trong khi bệnh nhân vẫn tỉnh táo. Trong cơn cơ giật, bệnh nhân có thể tím tái do suy hô hấp, vã mồ hôi uốn cong người lên, có thể gây các biến chứng trong cơn như đứt và rách cơ, gãy xương, co thắt cơ vùng họng, cứng cơ hoành và thanh quản, gây ngạt thở và tử vong đột ngột.
Uốn ván là một bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt trong uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, uốn ván ở người già, uốn ván sản khoa. Uốn ván có thời gian ủ bệnh và khởi bệnh càng ngắn thì tỷ lệ tử vong càng cao.
Chẩn đoán:
Để chẩn đoán bệnh uốn ván thường dựa vào các yếu tố lâm sang như:
Có vết thương nghi ngờ là cửa vào của vi khuẩn.
Khởi bệnh đầu tiên là cứng hàm, sau đó cứng các cơ theo thứ tự đầu – mặt – thân mình – tứ chi.
Cơn giật cứng kịch phát trên nền các cơ co cứng.
Chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván.
Điều trị bệnh uốn ván:
Chống co cứng và giật cứng.
Xử trí vết thương (cửa vào của vi khuẩn)
Trung hòa độc tố uốn ván
Đảm bảo thông khí, chống suy hô hấp
Điều trị các triệu chứng khác như cân bằng nước và điện giải; cung cấp dinh dưỡng đảm bảo năng lượng; chống nhiễm toan; trợ tim mạch; chống rối loạn thần kinh thực vật…
Chăm sóc hộ lý, điều dưỡng thường xuyên.
Phòng bệnh:
Tiêm Vắc xin uốn ván (VAT), Loại vắc xin phòng uốn ván của Viện Pastuer, mỗi liều chứa 40UI trong 0,5ml; tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, liều 1 và liều 2 tiêm cách nhau khoảng 4-6 tuần. Liều thứ 3 tiêm sau liều thứ 2 từ 6-12 tháng sau đó cứ 5-10 năm tiêm nhắc lại.
Sau khi bị thương người bệnh cần được cắt lọc, rửa, sát trùng vết thương. Tiêm Globulin miễn dịch đặc hiệu của người; liều 250UI (2ml) đến 500UI (4ml) tiêm bắp bảo vệ được 30 ngày. Nếu không có Globulin thì dùng SAT liều 1.500UI đến 3.000UI (tiêm bắp).