A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Truyền thông cảnh báo giúp nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ

Có mặt trong các buổi truyền thông phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức, chúng tôi thực sự cảm nhận rõ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin cho người dân về dịch bệnh. Không ít người khi được hỏi đều có rất ít thông tin về bệnh Đậu mùa khỉ hoặc có suy nghĩ dịch bệnh đang ở đâu rất xa và chỉ có ở nước ngoài.

Mỗi người dân được trang bị kiến thức đầy đủ sẽ trở thành một tuyên truyền viên góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Ông Nguyễn Huy Cường là thôn trưởng thôn 7, xã Thuận Hà cho biết, trước đây, bản thân ông đã nghe nói đến một số thông tin về bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, nhưng phải qua buổi truyền thông này, ông cũng như những người có mặt ở đây mới thực sự hiểu rằng, bệnh Đậu mùa khỉ rất nguy hiểm và đã có mặt tại Việt Nam với hơn 200 ca mắc và với 8 trường hợp tử vong. Ngoài ra, đường lây của bệnh Đậu mùa khỉ cũng rất phức tạp nên nguy cơ lây lan bệnh là rất cao nếu không có các biện pháp phòng tránh. Việc được các báo cáo viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung cấp những kiến thức cần thiết về bệnh Đậu mùa khỉ không chỉ giúp bản thân ông Cường mà rất nhiều người tham gia buổi truyền thông này cũng có thêm hiểu biết để có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Bác sĩ Êban Thanh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, việc tăng cường các hoạt động truyền thông, đặc biệt với bệnh Đậu mùa khỉ là thực sự cần thiết. Các hoạt động này nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, phản ánh hoạt động phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Đậu mùa khỉ cho cán bộ và nhân dân. Từ đó giúp người dân hiểu biết về dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống bằng nhiều hình thức… Cũng theo Bs Sơn, việc truyền thông, phổ biến thông tin dịch bệnh cần tập trung thực hiện đến các hội, đoàn thể địa phương, ban tự quản thôn, đội ngũ nhân viên y tế thôn bon… Bởi thông qua đội ngũ này, mỗi thông điệp phòng bệnh sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn đến mỗi người dân trên địa bàn.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay là hầu hết các ca bệnh gần đây, độ tuổi ghi nhận phổ biến từ 18-39 tuổi, tất cả là nam. 50% trường hợp bệnh nhân có HIV, 50% thuộc nhóm quan hệ đồng giới. Tại Đăk Nông, nhóm đối tượng có HIV và quan hệ đồng giới ở tỉnh ta thường không công khai nên rất khó phát hiện. Vì vậy, hoạt động truyền thông về nội dung này tại cộng đồng sẽ giúp thông điệp lan tỏa, giúp thông tin đến với đối tượng đích, giúp cảnh báo nguy cơ và hạn chế lây lan bệnh.

Đắk Nông hiện có 2 cửa khẩu là Đắk Peur (Thuận An, Đắk Mil) và Bu Prăng (Quảng Trực, Tuy Đức) cũng như có sự giao thương rất lớn đối với TP.HCM và các tỉnh khu vực phía Nam - địa bàn ghi nhận và có sự gia tăng số ca mắc bệnh Đậu mùa khỉ chủ yếu của nước ta. Vậy nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất lớn. Chính vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai Kế hoạch truyền thông phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ tại cộng đồng, trong đó, tập trung triển khai tại các xã biên giới. Trước mắt, Trung tâm đã triển khai truyền thông tại các xã Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song), Thuận An, Đắk Lao (Đắk Mil) và Đắk Buk So, Quảng Trực (Tuy Đức). Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật còn đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ cho các đối tượng có nguy cơ cao lồng ghép với hoạt động truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs).

Bà Nguyễn Thị Loan, thôn Thuận Lợi, xã Thuận Hạnh cho biết, việc hiểu thêm về bệnh Đậu mùa khỉ giúp bà có thể tuyên truyền cho bà con nhân dân trong thôn nhằm nâng cao cảnh giác về các nguy cơ lây truyền bệnh. Và cũng qua các buổi truyền thông, bà hiểu rằng, với những người có qua lại biên giới với nước bạn Campuchia, dù bằng đường chính ngạch hay qua các đường mòn lối mở dọc biên giới thì khi trở về địa phương đều phải khai báo y tế.

Để công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh Đậu mùa khỉ nói riêng thực sự hiệu quả rất cần có sự phối hợp của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng, tại hộ gia đình theo hướng dẫn của cán Bộ Y tế. Chính vì vậy, việc tăng cường các hoạt động truyền thông, nhất là trong giai đoạn cảnh báo bệnh là thực sự cần thiết và rất quan trọng. Điều này giúp đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website