A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Độc lập triển khai xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu giúp hoạt động phòng chống dịch đạt hiệu quả

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên vừa ban hành quyết định xác nhận đủ năng lực xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu bằng kỹ thuật PCR đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông (CDC). Theo đó, CDC Đăk Nông đã đáp ứng đầy đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng để trực tiếp thực hiện xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu tại đơn vị. Đối với những mẫu cho kết quả dương tính sẽ được gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để phân lập, đối chiếu. Thay vì như trước đây, các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bạch hầu trên địa bàn phải vận chuyển lên Viện Vệ sinh dịch tễ để xét nghiệm, tốn kém nhiều thời gian, công sức thì hiện nay, hoạt động này được thực hiện ngay tại địa phương giúp việc xác định ca bệnh diễn ra nhanh chóng, hỗ trợ đắc lực cho việc phòng, chống dịch, tiết kiệm chi phí và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong quá trình vận chuyển.

Trước đó, nhằm hỗ trợ ngành Y tế tỉnh Đăk Nông chủ động trong việc phát hiện, chẩn đoán nhanh ca bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp điều trị và tổ chức phòng chống, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã thực hiện chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cho cán bộ CDC. Trên cơ sở đơn vị đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cơ bản phục vụ xét nghiệm bạch hầu bằng kỹ thuật PCR, cán bộ CDC Đăk Nông đã nhanh chóng tiếp cận và thực hiện tốt kỹ thuật này. CDC Đăk Nông cũng nhanh chóng mua sắm vật tư, hóa chất phục vụ xét nghiệm đạt hiệu quả và trở thành địa phương đầu tiên trên địa bàn Tây Nguyên triển khai xét nghiệm bạch hầu bằng kỹ thuật PCR sau Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Độc lập xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch

Kể từ khi được chuyển giao đến nay, đội ngũ cán bộ CDC đã độc lập thực hiện xét nghiệm được 536 mẫu, trong đó có 21 mẫu cho kết quả dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trong tình hình dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại các tỉnh Tây Nguyên, CDC Đăk Nông độc lập xét nghiệm chẩn đoán ca bệnh đã góp phần quan trọng giảm áp lực cho Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phòng, chống dịch bạch hầu các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum.

Hiện toàn tỉnh có 4/8 huyện, thành phố ghi nhận ca bệnh bạch hầu (Krông Nô, Đăk Glong, Đăk R’lấp, Tuy Đức), chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, M’nông, Thái, Tày. Các khu vực xảy ra ổ dịch hầu hết đều là điểm đen trong công tác tiêm chủng nhiều năm qua của tỉnh. Công tác khoanh vùng, truy vết ghi nhận nhiều trường hợp nghi ngờ tại cộng đồng, mỗi ca dương tính có thể có liên quan, tiếp xúc với hàng trăm người. Việc lấy mẫu thực hiện xét nghiệm vô cùng quan trọng, cần kíp nhằm phát hiện ca bệnh sớm. Đặc biệt, hoạt động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu tại tỉnh Đăk Nông được ngành Y tế triển khai theo hướng chủ động khám, sàng lọc phát hiện ca bệnh, vì vậy công tác xét nghiệm càng cần phải cấp bách hơn. Mỗi ngày CDC tiếp nhận hàng chục mẫu bệnh phẩm từ các địa bàn có ca bệnh xuất hiện, lực lượng xét nghiệm phải tăng cường tần suất, thời gian làm việc để kịp thời đáp ứng công tác phát hiện, chẩn đoán bệnh nhân. Ngoài lực lượng chính, đơn vị còn bố trí thêm ê kíp hỗ trợ đảm bảo mỗi tua làm việc gồm 6 kỹ thuật viên đủ đáp ứng quy trình xử lý mẫu. Đội xét nghiệm làm việc bất kể ngày đêm để chạy mẫu bệnh phẩm cho kết quả sớm nhất. Với kỹ thuật xét nghiệm PCR, mỗi mẫu bệnh phẩm để xác định được kết quả mắc bệnh (dương tính với vi khuẩn bạch hầu) hay không mắc bệnh (âm tính) phải trải qua ít nhất 6 công đoạn tương ứng với khoảng thời gian trung bình 4 giờ /lần chạy mẫu. Chưa kể trong 6 công đoạn kỹ thuật đó, có những bước phải tiến hành theo phương pháp thủ công,trực tiếp do con người phải thực hiện, đòi hỏi sự tỉ mĩ, tập trung cao độ và sự phối hợp nhịp nhàng, chuẩn xác đến từng centimet. Một số trường hợp có diễn biến triệu chứng phức tạp khiến việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm phải thực hiện nhiều lần để xác định đúng tình trạng thực tế của bệnh nhân nên rất tốn kém về chi phí cũng như thời gian.

Làm việc trong môi trường xét nghiệm nói chung, xét nghiệm vi khuẩn bạch hầu nói riêng luôn gặp nhiều nguy hiểm cũng như nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Chỉ cần một chút bất cẩn hoặc thực hiện không đúng kỹ thuật, bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh từ các mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, hàng ngày, các kỹ thuật viên phải tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại và làm việc trong phòng có nhiệt độ từ 20-220C, rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều khó khăn, vất vả là vậy nhưng đội ngũ cán bộ xét nghiệm CDC Đăk Nông vẫn đang cần mẫn, hàng ngày, hàng giờ căng mình chạy mẫu, đồng hành sát cánh cùng các đồng đội ngoài thực địa trong tuyến đầu chống dịch.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường, ca bệnh đang tiến dần đến con số 40, các hoạt động phòng, chống dịch vẫn đang được ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở triển khai cấp bách, đồng bộ. Việc CDC xây dựng và độc lập triển khai hoạt động xét nghiệm như một tín hiệu khả quan khẳng định năng lực, mục tiêu khống chế và dập dịch thành công của ngành Y tế tỉnh nhà.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website