A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng tránh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh cho những người xung quanh và giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Tình hình bệnh Đậu mùa khỉ

Trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Từ đầu năm đến nay, nước này đã nghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong; vi rút mpox nhánh Ib (Clade Ib) đang là nhánh trội trong đợt dịch tại nước này, bước đầu ghi nhận có một số đặc điểm dịch tễ của bệnh khác biệt so với các đặc điểm dịch tễ trong vụ dịch trước đó xảy trong năm 2022-2024 tại khu vực châu Âu và một số quốc gia khác như các trường hợp mắc trẻ hơn (khoảng 50% ở độ tuổi dưới 15 tuổi, khoảng 39% trẻ dưới 5 tuổi), có sự lây truyền qua nhóm mại dâm nữ (7,5%) và có sự lây nhiễm trong các thành viên trong hộ gia đình. Ngoài ra, 04 nước giáp với Cộng hòa Dân chủ Công Gô (Burundi, Kenya, Rwanda and Uganda) đã lần đầu ghi nhận các trường hợp mắc Đậu mùa khỉ có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh Đậu mùa khỉ đang xảy ra tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Hai nước khác ngoài khu vực châu Phi (Thụy Điển, Pakistan) cũng ghi nhận trường hợp mắc Đậu mùa khỉ. Trước diễn biến của dịch Đậu mùa khỉ lần này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh Đậu mùa khỉ ngày 14/8/2024.

Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 202 ca bệnh đậu mùa khỉ từ khi dịch bùng phát, trong đó có 67 ca được ghi nhận trong năm 2024. Các ca bệnh chủ yếu xuất hiện tại các thành phố lớn như TP.HCM, nơi ghi nhận nhiều trường hợp nhất với 156 ca. Đáng chú ý, 8 trường hợp tử vong đã xảy ra, tất cả đều thuộc nhóm nguy cơ cao.

Bộ Y tế nhận định nhiều khả năng các trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ được ghi nhận gần đây tại nước ta có nguồn lây nhiễm trong nước, ở nhóm đối tượng tương tự như các nước trên thế giới, cụ thể là: nam, độ tuổi từ 18 - 40 tuổi, có định hướng tình dục đồng giới nam, nhiều người đang có HIV, mặc dù phương thức lây truyền như qua quan hệ tình dục còn phải tiếp tục điều tra làm rõ.

Hiện bệnh Đậu mùa khỉ đã được phân loại là bệnh thuộc nhóm B theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn khác ngoài khu vực thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Phần lớn các ca mắc bệnh là nam giới, chiếm khoảng 93% tổng số ca mắc.

Khuyến cáo phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng:

Theo dõi sức khỏe sau khi nhập cảnh: Hành khách nhập cảnh cần tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Nếu xuất hiện triệu chứng như phát ban, sốt, cần tự cách ly và liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.

Khuyến cáo phòng ngừa tại các cửa khẩu: Tất cả các hành khách tại cửa khẩu cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và hạn chế tiếp xúc gần với người khác nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ.

Phòng ngừa lây nhiễm: Tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, quần áo, dụng cụ ăn uống với người khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm qua các vật dụng này.

Thông báo cho cơ quan y tế: Nếu có tiếp xúc với người nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được tư vấn và hỗ trợ xử lý kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà.

An toàn thực phẩm và lối sống lành mạnh: Đảm bảo ăn uống an toàn, duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động để nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Tránh tiếp xúc với động vật: Những người đi du lịch đến các khu vực có lưu hành dịch, đặc biệt là Trung và Tây Phi, nên tránh tiếp xúc với động vật có vú có khả năng mang virus đậu mùa khỉ. Sau khi về nước, cần khai báo với cơ quan y tế địa phương để được theo dõi và hướng dẫn.

Bộ Y tế khuyến khích người dân tiếp tục cập nhật thông tin từ các nguồn tin chính thức và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

 


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website