A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế xếp đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B

Bộ Y tế quyết định bổ sung bệnh đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 3, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, Quyết định đã được ban hành từ ngày 09/11/2022. Quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký nêu bổ sung Đậu mùa khỉ vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Như vậy các hoạt động phòng, chống bệnh này sẽ được thực hiện theo quy định phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Tại nước ta, các bệnh truyền nhiễm được phân làm 3 nhóm. Trong đó, nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh bao gồm các bệnh bại liệt, cúm gia cầm A(H5N1), bệnh đậu mùa, bệnh COVID-19, bệnh sốt vàng…

Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong gồm bệnh do virus Adeno, bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, bệnh dại, ho gà, lao phổi, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, bệnh tay chân miệng, thuỷ đậu…

Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh (giang mai, lậu, bệnh sốt mò, sán lá gan, sốt xuất huyết do virus Hanta…).

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là 'bệnh đậu mùa khỉ'. Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người được ghi nhận vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Công gô và sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi. Từ tháng 5/2022, dịch bùng phát trên khắp thế giới, trong đó có hàng chục quốc gia nơi nó chưa từng xuất hiện.

Bắt đầu từ tháng 9/2022, Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc Đậu mùa khỉ đầu tiên. Từ đó đến nay, cả nước ghi nhận hơn 200 ca bệnh với 8 trường hợp tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 67 trường hợp mắc bệnh, 2 người tử vong. Các ca bệnh chủ yếu được ghi nhận ở khu vực phía Nam, trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh (156 ca), Long An (8 ca)...

Hiện nay, trong bối cảnh Đậu mùa khỉ gia tăng nhanh ở một số quốc gia trên thế giới, nhất là châu Phi với những biến chủng nguy hiểm hơn, dễ lây hơn ở cả người lớn và trẻ em đồng thời tỷ lệ tử vong cao hơn, khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam với sự nguy hiểm cao hơn trong thời gian tới.

Có thể nói, sau đại dịch Covid-19, việc xuất hiện những căn bệnh lạ có mức độ lây lan cao đã đặt ra sự lo lắng cho hầu hết người dân nước ta. Tuy nhiên, không vì vậy mà hoang mang, mất kiểm soát, ngược lại, chính mỗi người cần nâng cao sự thận trọng, chủ động trong công tác phòng chống, kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Thời gian qua, mặc dù đã ghi nhận các trường hợp mắc, tuy nhiên, tổng số ca bệnh vẫn còn ở mức thấp và chủ yếu là nhập cảnh từ nước ngoài, được cách ly, điều trị kịp thời. Hiện chưa có các ổ dịch thứ phát tại cộng đồng nào được phát hiện mà chỉ dừng ở một số trường hợp tản phát.

Từ những kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch Covid-19, những hướng dẫn về giám sát phòng chống, phòng ngừa lây nhiễm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ đã được Bộ Y tế Việt Nam ban hành từ rất sớm. Ngành Y tế Việt Nam đã có kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, bao gồm: Tăng cường giám sát với việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp nghi ngờ; nâng cao năng lực xét nghiệm bảo đảm nhanh chóng và chính xác để xác định các ca bệnh sớm; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện y tế, thuốc men và dụng cụ y tế cần thiết để điều trị cho bệnh nhân và cập nhật thông tin và hướng dẫn cho cộng đồng các biện pháp phòng ngừa, nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng; tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về Đậu mùa khỉ.

Ðể bảo đảm những giải pháp đó, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống bao gồm tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu và xây dựng kế hoạch. Chuẩn bị và diễn tập các kịch bản phòng chống theo các tình huống và phù hợp với địa phương với sự tham gia hỗ trợ của các ban, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch và hỗ trợ ngành y tế trong công tác giám sát, điều trị và xét nghiệm…

Để thành công trong bất cứ can thiệp y tế nào cũng cần sự chung tay của người dân bằng việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bệnh, tuân thủ điều trị. Mặt khác, chủ động theo dõi, cập nhật thông tin chính thức về dịch bệnh từ các cơ quan y tế; thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các dấu hiệu nghi ngờ cũng như tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website