A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cơ bản được kiểm soát

Năm 2024, tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét giảm mạnh so với năm 2023 và không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Năm 2024, tại một địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi lớn nhất từ trước đến nay đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề, nhưng các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra sau thiên tai, bão lũ đã được kiểm soát tốt, không để xảy ra các ổ dịch lớn tại các địa bàn bị ảnh hưởng. Trong năm 2024 một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại. Cụ thể, đối với bệnh sởi cả nước ghi nhận 45.758 ca với 7.838 trường hợp dương tính Sởi và 16 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; bệnh ho gà ghi nhận 1.095 ca với 03 trường hợp tử vong; bệnh dại ghi nhận 88 trường hợp tử vong. Một số bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.

Tại tỉnh Đắk Nông, trong năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận 21 bệnh truyền nhiễm với tổng số 7.435 ca mắc và 03 ca tử vong (01 ca dại, 01 ca sốt xuất huyết, 01 ca uốn cán sơ sinh). Một số bệnh có số mắc cao như Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) 5.392 ca, Tiêu chảy 611 ca, Lao phổi 284, Sởi 274, Tay chân miệng 249 ca, Thủy đậu 204 ca, Dại 01 ca, COVID-19 81 ca, Rubella 02 ca, Ho gà 04 ca. Các bệnh truyền nhiễm khác tương đối ổn định và không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh tái nổi nguy hiểm như Đậu mùa khi trên địa bàn tỉnh.

Trong năm 2024, để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hạn chế số mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Triển khai các dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và chăm sóc sức khoẻ ban đầu; dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm định và các dịch vụ y tế công cộng khác trong năm 2024. Đối với các bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương, ngay khi ghi nhận ca mắc bắt đầu gia tăng hoặc căn cứ chu kỳ dịch bệnh, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa bàn là điểm nóng. Đối với các bệnh mới nổi, tái nổi đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, ban, ngành thường xuyên giảm sát, đánh giá và tham mưu các giải pháp hiệu quả, kịp thời. Đồng thời, thường xuyên, liên tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc tuyến tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh SXHD, Dại, Tay chân miệng, Thủy đậu… trên địa bàn và triển khai các biện pháp phòng, chống như xử lý ổ dịch ngay sau khi phát hiện. Thực hiện phương châm 04 tại chỗ, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức triển khai tiêm chủng mở rộng đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và quản lý, rà soát đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ. Định kỳ hàng tháng đánh giá tiến độ tiêm chủng đến từng thôn, bon để xác định vùng lõm tiêm chủng, vùng nguy cơ cao và tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi đảm bảo an toàn, kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và xuất hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, các tác nhân gây bệnh, các biến chủng mới. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin dự phòng hoặc miễn dịch giảm theo thời gian vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát. Tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi và các bệnh dự phòng bằng vắc xin giai đoạn sau đại dịch COVID-19 thấp, dẫn đến miễn dịch trong cộng đồng không đạt mức có thể ngăn ngừa sự lây lan. Việc quản lý đối tượng tiêm chủng hạn chế, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng có di biến động dân số lớn. Ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao, một số bộ phận còn chủ quan, lơ là chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả do các bệnh truyền nhiễm gây ra. Việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm, vắc xin cho công tác phòng, chống dịch còn nhiều khó khăn, bất cập.

Để kiểm soát tốt và không để bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trong năm 2025, ngành Y tế tiếp tục thường xuyên theo dõi, phân tích dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát hỗ trợ chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở, đánh giá các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Đồng thời, cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất cần thiết để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, đảm bảo tốt công tác thu dung, cách ly, phòng chống nhiễm khuẩn, điều trị bệnh nhân theo đúng phác đồ của Bộ Y tế để hạn chế biến chứng và tử vong do bệnh truyền nhiễm./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website