A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần thực hiện đồng thời việc diệt muỗi trưởng thành và diệt lăng quăng/bọ gậy

Theo báo cáo của Trung tâm y tế thành phố Gia Nghĩa, tính đến 7h00” ngày 08/7/2024, trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa ghi nhận 890 ca mắc Sốt xuất huyết tại 08/08 xã/phường, với 50 ổ dịch, hiện tại ghi nhận 17/50 ổ dịch còn hoạt động. Số ca mắc cụ thể: phường Nghĩa Trung 224 ca; phường Nghĩa Đức 182 ca; phường Quảng Thành 135 ca; phường Nghĩa Thành 133 ca; xã Đăk Nia 70 ca; phường Nghĩa Tân 65 ca;  phường Nghĩa Phú 64 ca và xã Đăk R’Moan 17 ca. Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh những nỗ lực của Ngành y tế, rất cần sự chung tay của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn nhằm khống chế và kiểm soát dịch bệnh.

Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông đang trong tình trạng quá tải

Tại Khoa Bệnh truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã nhiều tháng nay, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị không ngừng gia tăng. Hiện tại, Khoa Bệnh truyền nhiễm đã quá tải với hơn 110 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị. Trong khi chỉ tiêu giường bệnh tại khoa là 45 giường. Việc quá tải điều trị, buộc lãnh đạo bệnh viện phải điều động bác sĩ, nhân viên y tế và bố trí thêm phòng bệnh, giường bệnh phục vụ bệnh nhân sốt xuất huyết.

BS CKI Cao Thị Tài - Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông cho biết: Hiện tại, tại khoa Truyền nhiễm số lượng bệnh nhân nhiễm sốt xuất huyết khá đông, bệnh nhân cần phải theo dõi nhiều. Bệnh sốt xuất huyết nếu  không được theo dõi kịp thời sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt là đối với các bệnh nhân có bệnh lý nền.  Khi mắc sốt xuất huyết trên bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, béo phì,… có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy kịch như viêm cơ tim cấp, xuất huyết  não, xuất huyết một số nội tạng…

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue. Bệnh lây truyền qua trung gian là muỗi vằn. Muỗi trưởng thành có chiều dài 4 - 7mm, màu đen sẫm, thân và chân muỗi có các đốm trắng. Muỗi vằn thường sống ở khu vực tối hoặc những nơi có ánh sáng yếu, thường đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước và những nơi có nước đọng. Trong điều kiện bình thường, muỗi vằn cái sống khoảng 2 tháng và đẻ trung bình khoảng 6 đến 8 lần, mỗi lần đẻ từ 150- 200 trứng.  Sau khi muỗi vằn hút máu của người nhiễm virus Dengue, virus sẽ nằm tại tuyến nước bọt của muỗi. Sau đó muỗi vằn sẽ truyền virus gây bệnh cho người khỏe mạnh thông qua các vết đốt/chích. Bản thân người mắc bệnh sốt xuất huyết cũng là nguồn lây truyền virus cho những con muỗi khác.

Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả cần thực hiện đồng thời việc diệt muỗi trưởng thành và tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy. Ths. Bs Nguyễn Ly Sắc - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm -Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông cho biết: Để không cho muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết có rất nhiều biện pháp.  Hiện nay chúng ta đang áp dụng biện pháp diệt muỗi trưởng thành và diệt lăng quăng, bọ gậy. Vì sao phải làm song hành hai điều đó ? Vì 1 chu kỳ đẻ trứng của muỗi trưởng thành khoảng 14 ngày.  Nếu chỉ phun hóa chất không thì chỉ chết muỗi trưởng thành nhưng lăng quăng bọ gậy vẫn còn và sẽ lại nở thành muỗi. Việc phun hóa chất chỉ là tình thế cấp bách để tiêu diệt các đàn muỗi lớn nhằm hạn chế muỗi đốt người. Các ổ lăng quăng, bọ gậy hàng ngày vẫn sẽ nở thành muỗi và bay đi, tiếp tục đốt người. Vì vậy, cần diệt trừ cả muỗi và lăng quăng bọ gậy cùng lúc. Người dân cần làm tốt việc vệ sinh nhà cửa và môi trường sống xung quanh để không cho lăng quăng/ bọ gậy có chỗ ẩn náu và đẻ trứng. Đối với những nơi có ồ dịch, người dân cần vệ sinh nhà cửa và dụng cụ chứa nước 1 lần/tuần. Đối với những nơi chưa ghi nhận ổ dịch thì nên thực hiện 2 tuần/ lần.

Chu kỳ phát triển của muỗi vằn từ lúc đẻ trứng đến khi phát triển thành bọ gậy trung bình là 7 ngày; thời gian phát triển từ bọ gậy thành muỗi trưởng thành chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày. Chính vì thế, bên cạnh việc phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, mỗi hộ gia đình cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/ bọ gậy, nhằm chặn đứt vòng đời của muỗi vằn có mang mầm bệnh sốt xuất huyết. Hàng tuần, người dân cần thực hiện vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các vật dụng ứ đọng nước, thau rửa dụng cụ chứa nước. Đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt. Khi có các dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tình trạng bệnh trở nặng gây nguy hiểm đến tính mạng./.


Tác giả: Quốc Khánh

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website