Chủ động kiểm soát phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam rải rác ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ tại các tỉnh: Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau… Tại Đắk Nông tuy không ghi nhận ca mắc nào, nhưng trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương và trong bối cảnh giao thương giữa các nước, ngành Y tế vẫn đang chủ động không cho mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn.
Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống, các hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tại các cửa khẩu, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay tại cửa khẩu. Đắk Nông có 02 cửa khẩu là Bu Prăng (Tuy Đức) và Đăk Peur (Đăk Mil) với gần 140km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Ngoài ra, Đắk Nông cũng có cửa ngõ giao thương với Bình Phước, Bình Dương, rất gần với Tp.Hồ Chí Minh, Đồng Nai - những địa phương đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nên nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh rất cao. Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ xâm nhập trên địa bàn, kiểm soát kịp thời ca bệnh không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện giám sát chủ động với bệnh đậu mùa khỉ, lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS. Ngành Y tế cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương; báo cáo các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh về Bộ Y tế.
Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo đặc điểm như: Dịch lây qua dịch tiết, qua đường giọt bắn… và thực hiện tốt các biện pháp tránh tiếp xúc với mầm bệnh, không thực hiện các hành vi gây nguy cơ cao như quan hệ tình dục không lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với những người từ vùng có dịch về…