A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Covid-19 sự khác biệt giữa nhóm bệnh truyền nhiễm

Sự khác biệt giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A, B và C

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Chuyển từ trạng thái phòng ngừa khẩn cấp sang xây dựng chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn đối với COVID-19.

Tại khoản 2 Điều 2 quy định, Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm có khả năng gây bệnh truyền nhiễm.

Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 phân loại bệnh truyền nhiễm thành các nhóm A, B và C.

Nhóm A: bao gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểmkhả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộngtỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểmkhả năng lây truyền nhanhcó thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm: bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota); bệnh do vi rút Zika được bổ sung theo Điều 1 Quyết định 740/QĐ-BYT năm 2016; bệnh đậu mùa khỉ được bổ sung theo Điều 1 Quyết định 3044/QĐ-BYT năm 2022.

Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm: bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.

COVID-19 - bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao

Ngày 31/12/2019, thành phố Vũ Hán - Trung Quốc thông báo xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ - COVID-19 đầu tiên. Ngày 8/1/2020, WHO xác định virus mới cùng họ với virus corona gây bệnh SARS, chỉ 3 ngày sau, Trung Quốc ghi nhận bệnh nhân đầu tiên tử vong vì căn bệnh này. Ngày 11/3/2020, WHO tuyên bố bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 - COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Ngày 13/1/2020, dịch bệnh đã lây lan ra ngoài Trung Quốc, đến Thái Lan, sau đó là Pháp, Mỹ và rất nhiều quốc gia khác. COVID-19 đã trở thành đại dịch lớn nhất trên toàn thế giới, gây ra hơn 650 triệu ca mắc và cướp đi sinh mạng của 6,66 triệu người. Căn bệnh đã để lại nhiều đau thương, mất mát và những sự kiện chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Ngày 23 tháng 1 năm 2020, Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 29 tháng 01 năm 2020 Bộ Y tế ban hành Quyết định Số: 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV - thường được gọi là COVID-19) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Sau hơn 3 năm với 4 làn sóng dịch bệnh, tính đến ngày 12 tháng 7 năm 2023, COVID-19 đã khiến 11,621,192 trường hợp nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của 43,206 người, để lại hơn 2.000 trẻ em mồ côi và những tổn thất, thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội và cả chính trị.

Chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

Vào năm 2020, virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền rất nhanh, độc lực cao, gây tử vong cao. Đến thời điểm hiện tại, virus có nhiều biến thể và rất dễ lây lan nhưng độc lực lại giảm thấp. Gần đây nhất là biến chủng XBB1.16 và những biến chủng sau này có đặc điểm lây lan rất nhanh nhưng nguy cơ nhập viện, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe thấp.

COVID-19 hiện đã có vắc xin phòng bệnh, diện bao phủ ngày càng lớn. Đây chính là yếu tố mang tính chất quyết định để từ bệnh có nguy cơ cao trở thành bệnh truyền nhiễm kiểm soát được. Bệnh COVID-19 hiện nay vẫn lây lan nhưng về cơ bản không còn gây nặng và tử vong (trừ những bệnh nhân có bệnh lý nền).

Đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới đã ổn định. Đầu tháng 5/2023 Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Tỷ lệ bệnh nặng do mắc COVID-19 gây ra hầu như không còn. Những ca tử vong chủ yếu do bệnh nền nặng. Việt Nam đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine trên diện rộng với hơn 266 triệu liều vắc xin COVID-19.

Việc chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B không có nghĩa là bệnh không còn tính chất nguy hiểm. Bởi bệnh truyền nhiễm nhóm B vẫn có tính chất lây cho người khác, vẫn phải có phác đồ điều trị riêng nhưng về cơ bản không phải áp đặt các biện pháp hành chính, xã hội quá mức mà chủ yếu áp đặt các biện pháp về điều trị, cách ly đối với người nhiễm. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta chỉ chuyển từ trạng thái phòng ngừa khẩn cấp sang xây dựng chiến lược phòng ngừa và kiểm soát dài hạn.

Chính vì thế, việc chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế vẫn là việc làm hết sức cần thiết./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website