Đắk Nông đồng lòng chống dịch COVID-19
Hiện nay tại Việt Nam, Covid-19 đã được Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 thống nhất chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B. Đến nay dịch Covid-19 đã được kiểm soát, tiến độ tiêm vaccine tiếp tục được đẩy nhanh, các hoạt động sản xuất kinh doanh và cuộc sống của người dân trở lại với trạng thái “bình thường cũ”. Nhờ đó, chúng ta có thời gian để cùng nhau nhìn lại quá trình chống dịch đầy gian khổ và cũng nhiều thách thức.
Những dấu mốc khó quên
Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận vào ngày 23/01/2020 (29 Tết) khi Bệnh viện Chợ Rẫy xác nhận 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc), cũng là nơi xuất phát các ca bệnh đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam chính thức bắt đầu. Sau nửa năm căng mình chống dịch, ngày 31/7/2020, Việt Nam đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên là bệnh nhân 428 (70 tuổi, Hà Nam). Trong hai năm 2020-2022, Việt Nam trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19. Trong đó, lần bùng phát thứ 4 tại TP.HCM được xem là phức tạp nhất với sự xuất hiện của biến thể Delta.
Riêng tại Đắk Nông, ngày 09/7/2021, Đắk Nông ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Tính đến ngày 11/10/2021, toàn tỉnh ghi nhận 844 ca mắc phân bố tại 60/71 xã/phường/thị trấn thuộc 08/08 huyện/thành phố và có 03 ca tử vong do Covid-19 (chiếm tỷ lệ 0,36%). Các ca mắc chủ yếu từ các tỉnh phía Nam trở về được áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung và cách ly y tế tại nhà theo quy định, đỉnh mắc cao nhất không quá 65 ca/ngày. Đồng thời, bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện rải rác một số ổ dịch nhỏ trong cộng đồng, đáng kể là ổ dịch tại xã Quảng Tín, huyện Đắk R’Lấp (ghi nhận 319 ca).
Trong thời kỳ bắt đầu triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ, các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thì số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, toàn tỉnh ghi nhận 73.673 trường hợp mắc Covid-19 phân bố tại 71/71 xã/phường/thị trấn thuộc 08/08 huyện, thành phố và có 48 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0,07%). Các ca mắc chủ yếu ghi nhận tại các ổ dịch trong cộng đồng. Đỉnh điểm dịch bùng phát mạnh vào tháng 03/2022, đỉnh mắc cao nhất ghi nhận 2.379 ca/ngày. Mặc dù thời kỳ này số ca mắc tăng mạnh nhưng tình hình dịch được kiểm soát hiệu quả, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng tăng cao và giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19.
Đồng bộ các giải pháp chống dịch
Với vị trí đặc biệt quan trọng, có tuyến quốc lộ 14 và 28 trải dài, và với hơn 141 km biên giới giáp với nước bạn Campuchia, nên khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đắk Nông trở thành địa phương có nguy cơ cao xâm nhập ca bệnh. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam, tỉnh Đắk Nông đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn. Tất cả các đơn vị, địa phương đều “lên dây cót”, chuẩn bị kịch bản, phương án sẵn sàng cho cuộc chiến chống “giặc Covid”.
Đi đầu trên mặt trận chống dịch Covid-19, ngành Y tế đã dồn sức tổng lực cho cuộc chiến nguy hiểm này. Với phương châm “ngăn chặn - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị tích cực”, hệ thống y tế dự phòng và điều trị khắp cả nước nói chung và Đắk Nông nói riêng được nhanh chóng kích hoạt. Những “chiến sĩ áo trắng” từ tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn không ngại khó khăn, vất vả, bất kể ngày đêm để điều tra, truy vết từng người, từng đối tượng nghi nhiễm, liên quan đến Covid-19.
Giai đoạn dịch căng thẳng, số người mắc bệnh và chết ngày càng tăng, việc ra ngoài cũng trở nên “nguy hiểm” với nhiều người. Lúc này, cả nước đã xuất hiện nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân như “Đi chợ giùm dân”, “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe yêu thương”, “Suất cơm nghĩa tình” để cung cấp lương thực, thực phẩm cần thiết cho mỗi nhà, mỗi người yên tâm phòng, chống dịch bệnh. Không chỉ có những nghĩa cử đẹp giữa đồng bào với nhau, trong cuộc chiến chống đại dịch, Việt Nam còn ghi dấu với thế giới khi trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao trên toàn cầu.
Tính đến hết ngày 20/3/2023, kết quả tiêm chủng các mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt và vượt chỉ tiêu của Trung ương đề ra (80%), và cao hơn tỷ lệ tiêm chủng của toàn quốc ở các mũi tiêm. Cụ thể tỷ lệ tiêm mũi 3 cho nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ 90,8%; mũi 3 cho nhóm đối tượng 12 đến 18 tuổi đạt 91,9%; mũi 2 cho nhóm đối tượng 5 đến 12 tuổi đạt 85,66%. Đặc biệt, tỷ lệ tiêm mũi 4 cho nhóm đối tượng nguy cơ đạt 100%.
Ngoài ra, các hoạt động chuyên môn khác được tăng cường triển khai linh hoạt, thích ứng với từng thời kỳ. Hoạt động giám sát, truy vết, cách ly được xác định là hoạt động hết sức quan trọng có tính quyết định cho việc phát hiện ca bệnh F0/ca nghi ngờ mắc Covid-19 và người có nguy cơ cao (F1, F2, F3..) để bao vây, xử lý nhanh không để dịch xâm nhập và lây lan ra cộng đồng. Đến giai đoạn 4 (từ ngày 27/04/2021), tỉnh Đắk Nông ghi nhận ca mắc Covid-19, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố ban hành các văn bản thực hiện các giải pháp khoanh vùng, phong toả, giãn cách xã hội theo các Chỉ thị số 15, 16 và 19 của Chính phủ dựa trên tình hình diễn biến của các ổ dịch. Trải qua 4 giai đoạn dịch, công tác xét nghiệm đã thực hiện được 236.064 mẫu.
Nhìn lại 03 năm phòng chống dịch bệnh Covid-19, cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch cho đến nay cơ bản đúng hướng, kịp thời và hiệu quả. Mặc dù tính chất phức tạp và nguy hiểm của Covid-19 không còn thực sự nghiêm trọng như những giai đoạn đầu. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, phát hiện sớm những biến thể phụ. Tăng cường và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông về các biệp pháp phòng bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức cho người dân. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo công thức 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác... gắn với thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19 để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội./.