A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông ghi nhận 05 ổ dịch thủy đậu với 34 ca mắc

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ ngày 16/01/2024 - 24/01/2024 toàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 05 ổ dịch bệnh thủy đậu với 34 ca mắc tại 5/71 xã phường/thị trấn thuộc 2/8 huyện, thành phố. Trong đó, huyện Đăk Song đã ghi nhận 13 ca và huyện Krông Nô 21 ca.

 

Cụ thể, tại huyện Đăk Song đã ghi nhận 01 ổ dịch bệnh thủy đậu tại Phân hiệu thôn E29, trường TH Ngô Gia Tự, xã Đăk Mol (02 ca), Phân hiệu thôn 3, trường Mầm non Hoa Ban, xã Thuận Hà (04 ca), Trường TH Chu Văn An, thị trấn Đức An (04 ca), nhóm trẻ Mẫu giáo An Thành, Đức An (03 ca) và Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà may mắn, xã Đăk Sôr, Krông Nô (21 ca). Trong số 34 ca  bệnh thủy đậu thì có tới 33 trường hợp là học sinh và 01 trường hợp người lớn. Đến nay, các trường hợp mắc bệnh thủy đậu chưa xác định được nguồn lây. Tuy nhiên, tại các ổ dịch đã được phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý  kịp thời nên đã hạn chế được số ca mắc.

Để xử lý triệt để các ổ dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã hỗ trợ y tế địa phương trong công tác xử lý ổ dịch Thủy đậu. Cụ thể, đối với các trường hợp mắc bệnh thủy đậu tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà may mắn đã tổ chức cách ly các trường hợp có triệu chứng lùi bệnh với các trường hợp có triệu chứng toàn phát. Tổ chức giám sát, báo cáo tình trạng bệnh nhân cách ly y tế tại nhà. Hướng dẫn triển khai vệ sinh môi trường, lau nhà khử khuẩn hằng ngày bằng Cloramin B hoặc chất khử khuẩn thông thường. Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn cho người nhà, người bảo trợ thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Thủy đậu và cách khử khuẩn các vật dụng có liên quan đến bệnh nhân. Đồng thời, vận động phụ huynh học sinh đưa con em đi tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Thủy đậu tại hộ gia đình theo khuyến cáo.

Hiện nay, bệnh Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Thủy đậu gây ra, thuộc nhóm B theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và có thể xảy ra ở cả trẻ em (phổ biến hơn) và người lớn. Bệnh lưu hành tại địa phương và bùng phát mạnh nhất vào mùa xuân, có nguy cơ lây lan tại cộng đồng. Nguyên nhân, một số người dân còn chủ quan về công tác phòng, chống dịch bệnh Thủy đậu, khi mắc bệnh tự ý đi mua thuốc về điều trị, không đến các cơ sở y tế khám bệnh và khai báo y tế không kịp thời. Hơn nữa tại một số phòng khám và quầy thuốc tư nhân chưa chủ động trao đổi thông tin với cơ quan y tế khi ghi nhận các bệnh truyền nhiễm đến khám dẫn đến việc ứng phó với dịch bệnh Thủy đậu triển khai chậm, muộn. Giá thành vắc xin phòng bệnh Thuỷ đậu rất cao (970.000đ/liều) nên đa số người dân khó tiếp cận với dịch vụ này, nhất là ở các nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, cận nghèo, trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật. Đối tượng dễ mắc bệnh Thủy đậu thường là trẻ em học mẫu giáo và tiểu học. Học sinh ở lứa tuổi này chưa có ý thức cao về việc tự thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh. Dịch bệnh thủy đậu chỉ phát hiện được khi trẻ hoặc người mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng ở giai đoạn khởi phát với những triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, bắt đầu xuất hiện phát ban đỏ trong 24 - 48 giờ đầu.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã hướng dẫn y tế các địa phương tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Thuỷ đậu trên địa bàn nói chung và tại các ổ dịch đã ghi nhận nói riêng. Các địa phương đã ghi nhận ổ dịch, cán bộ trạm y tế cần phối hợp với các trường học tổ chức giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong suốt thời gian ổ dịch đang hoạt động. Chủ động giám sát, phát hiện sớm và cách ly kịp thời các trường hợp mắc mới, thực hiện khử trùng, khử khuẩn theo quy định. Phối hợp với nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện về bệnh Thuỷ đậu và các biện pháp phòng chống bệnh Thuỷ đậu (có thể lồng ghép trong buổi chào cờ, họp tổng kết học kỳ I của nhà trường). Tại những địa phương chưa ghi nhận ca bệnh thủy đậu, cần tăng cường công tác giám sát chủ động các bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở y tế trên địa bàn (kể cả các phòng khám tư nhân) và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm ca mắc/ổ dịch, triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, khoanh vùng và xử lý dịch. Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh Thuỷ đậu trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên các trang mạng xã hội (facebook, zalo,…). Khuyến cáo người dân khi phát hiện các trường hợp mắc thuỷ đậu hoặc bản thân, gia đình có người mắc Thuỷ đậu cần thông báo ngay cho Trạm Y tế trên địa bàn để được tư vấn, hướng dẫn điều trị, cách ly theo quy định. Khuyến cáo người dân tự chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng bệnh bằng việc tiêm vắc xin, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (có tiếp xúc với người mắc Thuỷ đậu, người sống cùng nhà với bệnh nhân mắc Thuỷ đậu)./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website