A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế đương đầu thử thách sau đại dịch

Sau thời gian dài Ngành Y tế Đăk Nông tập trung tổng lực chống đại dịch, hệ thống y tế rơi vào kiệt quệ cả về tài chính lẫn nhân lực, vật lực, kéo theo “làn sóng” nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt đã gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập. Trong bối cảnh đầy khó khăn, đội ngũ y, bác sĩ  không ngừng nỗ lực chữa bệnh cứu người. Trên hành trình ấy, mỗi cán bộ, y bác sĩ khắc ghi lời thề Hippocrates để có thêm sức mạnh tận tâm cống hiến, giữ vững “lửa nghề”.

Liên tục trong hơn 2 năm qua, hệ thống cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đăk Nông phải đương đầu trước thách thức lớn. Ngay cả Tram y tế, xã, phường, thị trấn là tuyến y tế đầu tiên khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu, tư vấn, sàng lọc, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, cũng gặp không ít khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Cùng với đó, là việc thiếu hụt vật tư y tế, thuốc, vấn đề xử lý chất thải tại các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân khám và điều trị. BS.CK1. Bùi Thị Minh Nghĩa- Giám đốc TTYT huyện Cư Jut, Đăk Nông cho biết: “Sau đại dịch Covid-19, nhiều phòng, khu vực khám, điều trị được trưng dụng làm khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nên hiện nay nhiều phòng, khu vực đã  xuống cấp nghiêm trọng. Hy vọng, thời gian tới, thông qua nguồn vốn của chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, vấn đề này sẽ được khắc phục. Ngoài ra, hiện nay, Trung tâm đã đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại, các danh mục kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, trang thiết bị cần có sự đồng bộ với phát triển nguồn nhân lực và đây cũng là vấn đề Trung tâm còn đang gặp phải nhiều vướng mắc”.

Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn chưa đầy đủ, đặc biệt là trong công tác mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá, tự chủ, quản trị bệnh viện công; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, ngân sách Nhà nước chi cho y tế và bảo hiểm y tế trong tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người còn  thấp. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm với yêu cầu đặt ra. Theo thống kê của ngành y tế, giai đoạn từ 2020 đến tháng 2- 2023, toàn tỉnh có hơn 80 cán bộ, nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có một số bác sĩ đào tạo Đại học, sau Đại học. Tại hầu hết các tuyến y tế cơ sở vốn đã thiếu hụt nguồn nhân lực, gần đây làn sóng nhân viên nghỉ việc càng gia tăng, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ công tác khám chữa bệnh. BS.CK1  Nguyễn Đăng Trung - Giám đốc TTYT huyện Đắk Mil, mong muốn có đủ nguồn lực về nhân lực. Với Ngành Y, đặc thù nghề nghiệp là đòi hỏi nguồn nhân lực phải được cập nhật chuyên môn thường xuyên, liên tục, phải được đào tạo và đào tạo lại, nhằm tạo dựng đội ngũ cán bộ y tế có chuyên môn sâu, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn.

Theo kế hoạch đến năm 2025, Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông phải tuyển dụng tối thiểu thêm 138 bác sĩ thì mới đảm bảo số lượng được giao. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông phấn đấu đạt bệnh viện hạng 1, với quy mô 750 giường bệnh. Ngoài ra, Tỉnh ủy cũng giao, tối thiểu 25% cơ sở khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế huyện có giường bệnh đạt hạng 2 vào năm 2025. Từ thực tế trên cho thấy nhu cầu cần đào tạo, tuyển dụng viên chức y tế của tỉnh Đắk Nông từ nay đến năm 2025 là rất lớn, trong nhiều áp lực, áp lực lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website