A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh

Theo thông tin từ cục Y tế dự phòng, ngày 10/3/2024, bệnh nhân nam, 37 tuổi sinh sống tại tỉnh Tiền Giang xuất hiện triệu chứng sốt và tự mua thuốc điều trị nhưng không thường xuyên. Ngày 16/3, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và được chẩn đoán viêm phổi nặng nghi do vi rút. Kết quả xét nghiệm bước đầu tại bệnh viện phát hiện dương tính với cúm A và có các đoạn gen tương đồng với vi rút cúm A phân tuýp H9. Mẫu bệnh phẩm đã được gửi tới Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm và được khẳng định đây là trường hợp mắc cúm A (H9) đầu tiên tại Việt Nam từ trước đến nay. Qua điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân sinh sống ở khu vực buôn bán gia cầm. Trước đó, vào tháng 3/2024, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 01 trường hợp tử vong do mắc cúm A(H5N1) trên người.

 

Theo cục Y tế dự phòng, trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, tình hình dịch cúm gia cầm trên động vật diễn biến phức tạp, không chỉ ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm trên gia cầm ở tất cả các khu vực mà còn ghi nhận sự lây truyền cho các loài động vật có vú ngày càng gia tăng. Hiện tại đang là giai đoạn nắng nóng, thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, gia tăng sự tương tác giữa các chủng vi rút cúm cùng với các nguy cơ lây nhiễm sang các loài động vật có vú. Nhận định trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các chủng vi rút cúm gia cầm sang người. Cục y tế dự phòng khuyến cáo các địa phương không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Tại tỉnh Đăk Nông, ngày 05/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1188/UBND-NNTNMT gửi các sở, ban, ngành về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh công tác phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, lây lan, bảo vệ sức khỏe người dân.

Cụ thể, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tổ chức giám sát, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định; Chủ động lấy mẫu xét nghiệm giám sát lưu hành của vi rút gia cầm tại các nơi có nguy cơ cao, phát hiện kịp thời để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia cầm sử dụng các loại vắc xin phòng bệnh cúm theo khuyến cáo của Cục Thú y; Phối hợp với các địa phương chủ động thành lập các Đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; Duy trì chế độ trực tại các Điểm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông; tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật ra vào địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Đối với Sở Y tế, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm. Đặc biệt không để xảy ra trường hợp nhiễm, tử vong vì bệnh cúm gia cầm. Phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh để lây nhiễm cho cộng đồng. Chủ trì, phối hợp với ngành nông nghiệp tăng cường kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm.

Sở Công thương, Cục quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Phối hợp với lực lượng Biên phòng, Hải quan tại các cửa khẩu kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm từ gia cầm qua biên giới vào địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo đài phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về nguy cơ và tác hại của dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9 lây sang người. Khuyến cáo người dân không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, sử dụng gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh. Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để người dân biết, chủ động thực hiện bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cần triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định của Luật Thú Y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tổ chức giám sát chặt chẽ đàn gia cầm trên địa bàn. Khi phát hiện gia cầm bị bệnh, nghi mắc bệnh cần lấy mẫu gửi xét nghiệm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các trường hợp dương tính với vi rút cúm gia cầm, các ổ dịch mới phát sinh. Không để lây lan diện rộng và thông báo kịp thời cho ngành Y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm. Tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng trại bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm chủ động tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm vật nuôi để phòng bệnh. Yêu cầu người dân không giấu dịch, không tự ý vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt xác gia cầm chết bừa bãi làm dịch bệnh lây lan. Chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gia cầm đưa vào giết mổ, đảm bảo gia cầm sống bán tại các chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website