A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường kiểm tra ngăn chặn Đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu

Mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh Đậu mùa khỉ (ĐMK) nhưng ngành Y tế tỉnh Đăk Nông luôn chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn không để ca bệnh xuất hiện tại địa bàn. Một trong những giải pháp trọng tâm hiện nay là tăng cường kiểm tra y tế tại 02 cửa khẩu quốc gia Bu Prăng và Đăk Peur.

 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), ĐMK là một bệnh lây truyền nguy hiểm. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với người mắc bệnh thông qua: Tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể; lây qua giọt bắn, nước bọt khi tiếp xúc trong thời gian dài; tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh; quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh còn lây truyền từ động vật nhiễm bệnh sang người qua vết cắn hoặc vết xước hoặc khi ăn thịt sống. Thời gian ủ bệnh của bệnh ĐMK thường từ 5 đến 21 ngày.

Bệnh bắt đầu với các biểu hiện như sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, sưng hạch, sau 1 đến 3 ngày nổi phát ban mẩn ngứa. Bệnh thường bắt đầu nổi mụn mủ trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể như lòng bàn tay, lòng bàn chân, bộ phận sinh dục.  Mụn tiến triển từ mụn nước thành mụn mủ và vỡ ra, đóng vảy, để lại sẹo. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ và tự khỏi sau 2 đến 4 tuần. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch.

Bệnh ĐMK xuất hiện từ các quốc gia bên ngoài và xâm nhập vào một số tỉnh thành Việt Nam thông qua con đường giao thương quốc tế. Hiện, Đắk Nông chưa ghi nhận bệnh nhân nào nhưng nguy cơ xuất hiện ca bệnh luôn tiềm ẩn do địa bàn có đường biên giới gần 140km tiếp giáp với nước bạn Campuchia thông qua 02 cửa khẩu là Bu Prăng (Tuy Đức) và Đăk Peur (Đăk Mil). Vì vậy việc ngăn chặn dịch ở các cửa ngõ của địa phương được ngành Y tế xem là giải pháp trọng tâm trong phòng chống ĐMK hiện nay. Theo đó, ngành Y tế Đắk Nông đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường các hoạt động phòng chống, tuyệt đối không chủ quan, lơ là kể cả khi dịch chưa xuất hiện trên địa bàn. Riêng với CDC và các TTYT Tuy Đức, TTYT Đắk Mil phải chủ động trong việc truyền thông phòng chống ĐMK; triển khai các biện pháp kiểm tra y tế, ngăn chặn, không để ĐMK xâm nhập, lây lan từ các cửa khẩu.

Vừa qua, ngày 26/8/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) lây từ người sang người. Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025 với kinh phí lên đến 135 triệu USD. Tại Việt Nam, thời gian qua, Bộ Y Tế cũng đã ban hành những khuyến cáo để người dân thực hiện các biện pháp phòng chống ĐMK như: Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống), không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh. Người nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục, liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.  Người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế cho đến khi điều trị khỏi. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp ứng phó kịp thời.


Tác giả: Minh Nhạn

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website