A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 3 tháng đầu năm 2025 đã phát hiện 06 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N1 tại 04 tỉnh, thành phố; 84 ổ dịch  dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại 22 tỉnh, thành phố; 07 tỉnh có ổ dịch Lở mồm long móng; 05 tỉnh có ổ dịch  Viêm da nổi cục. Tiến hành tiêu hủy trên 18.926 con gia cầm và 5.200 con lợn bệnh. Đặc biệt, tại 13 tỉnh ghi nhận có 20 người tử vong do bệnh Dại và có 80 động vật buộc phải tiêu hủy do nghi mắc bệnh Dại tại 22 tỉnh, thành phố. Dự báo, trong thời gian tới tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của người dân và môi trường, nguồn cung thực phẩm.

Thực hiện Công điện số 31/CĐ-TTg ngày 04/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành công văn số 2157/UBND-NNTNMT ngày 09/4/2025 đề nghị các Sở, ban, ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh từ động vật. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tập trung chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh động vật và đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; Phối hợp với UBND các huyện, thành phố phân công viên chức chuyên môn bám sát địa bàn, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát sự lưu hành của các loại mầm bệnh để kịp thời phát hiện cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, vắc xin để cấp phát kịp thời cho các huyện, thành phố triển khai tiêm phòng, tiêu độc trên địa bàn toàn tỉnh và phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra; Tại các điểm Kiểm dịch động vật cầu 14, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút và Điểm kiểm dịch động vật Cai Chanh, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'Lấp phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông, Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và các sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Chỉ đạo Trạm kiểm dịch động, thực vật cửa khẩu phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Hải quan thực hiện giám sát chặt chẽ cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm nhập cảnh vào địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm từ động vật không rõ nguồn gốc theo quy định; Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện và các đơn vị liên quan trong công tác phòng ngừa, phát hiện, kiểm tra xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là các hành vi mua bản, giết mổ, tiêu thụ động vật bị  bệnh.

Sở Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhằm chủ động kiểm soát có hiệu quả các loại bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh từ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc ngành Nông nghiệp để kịp thời nắm bắt và cập nhật thông tin dịch tễ. Thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Tổ chức điều tra, xác minh dịch tễ khi phát hiện ca bệnh hoặc ổ dịch nghi ngờ. Tổ chức giám sát ca bệnh tại cộng đồng, cơ sở y tế, đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiếp xúc với gia súc, gia cầm bệnh, chết không rõ nguyên nhân. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện bảo hộ cá nhân để kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người.

Đối với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh gồm Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật tại các địa phương. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm từ động vật trái phép qua cửa khẩu./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website