A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sởi, rubella tại các tỉnh khu vực Tây nguyên

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2023 trên thế giới đã ghi nhận 306.000 ca mắc sởi, tăng 79% so với năm 2022. WHO nhận định tình hình bệnh sởi “vô cùng đáng lo ngại”. Các ca mắc bệnh sởi thường không được báo cáo đầy đủ, vì thế, số ca mắc thực tế tại cộng đồng chắc chắn cao hơn nhiều so với con số báo cáo. Theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố, không ghi nhận ổ dịch tập trung. Tại khu vực Tây Nguyên, theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, tính đến ngày 06/3/2024, trên địa bàn đã ghi nhận 01 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút sởi và 01 trường hợp với vi rút rubella thông qua kỹ thuật MAC-ELISA tại tỉnh Gia Lai. Trong những năm qua, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi - rubella tại khu vực Tây Nguyên luôn đạt tỷ lệ thấp. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên dự báo trong năm 2024 sẽ là năm theo chu kỳ trong 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi nếu không triển khai tiêm vắc xinsởi, rubella đầy đủ, đặc biệt, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp.

 

Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra và dễ lây lan vi rút theo đường hô hấp, qua các giọt bắn khi ho, hắt hơi, nói….và có thể dẫn đến các biến chứng như viêm phổi, viêm não hoặc tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và những người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh sởi thường có các triệu chứng như sốt cao, phát ban lan rộng trong cơ thể, ho, mắt đỏ, đau họng, sổ mũi, đốm trắng trong miệng... Các triệu chứng của bệnh thường bắt đầu từ 10-14 ngày sau khi tiếp xúc với vi rút. Đối với bệnh rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức hoặc rubeon do vi rút rubella gây ra. Bệnh gồm các triệu chứng sốt nhẹ, phát ban và viêm long nhẹ đường hô hấp, nổi hạch vùng cổ, chẩm, sau tai. Bệnh rubella rất nguy hiểm ở phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ do có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi như bệnh tim, mù, đục thủy tinh thể, điếc và chậm phát triển tinh thần có thể gặp ở 90% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Để phòng, chống dịch bệnh sởi, rubella trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã chỉ đạo ngành Y tế các địa phương thực hiện rà soát các xã, thôn có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi, sởi - rubella đạt thấp và tổ chức tiêm vét cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm theo đúng lịch tiêm chủng; Tăng cường giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi, rubella. Xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, hạn chế thấp nhất số mắc và không để tử vong do bệnh sởi; thực hiện điều tra lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella trên địa bàn và thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định. Nếu trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh chưa thực hiện được xét nghiệm thì gửi toàn bộ các mẫu thu thập về Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để thực hiện xét nghiệm, nếu đã triển khai xét nghiệm, gửi 10% số mẫu đã thực hiện về Viện để kiểm tra, đối chiếu; tại các cơ sở khám, chữa bệnh cần tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân. Thực hiện triệt để việc cách ly bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở điều trị cũng như tại cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về bệnh sởi - rubella và cách phòng bệnh để người dân chủ động phòng. Đặc biệt tuyên truyền về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin sởi/sởi -rubella đầy đủ, đúng lịch. Đối với vắc xin sởi, trẻ nhỏ mũi thứ nhất tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Những đối tượng khác nếu chưa được tiêm vắc xin sởi trước đó cần tiêm 1 mũi vắc xin. Đối với vắc xin rubella đối tượng tiêm từ 9 tháng tuổi trở lên và cần chú trọng tiêm vắc xin rubella cho trẻ em, phụ nữ tuổi sinh đẻ và một số có nhóm nguy cơ cao như cán bộ y tế, giáo viên... Đồng thời, ngành Y tế các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn, đặc biệt là các trường mầm non cách phát hiện bệnh, thông báo các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella cho cơ sở y tế. Thực hiện cách ly sớm tại nhà và triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học. Rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để nhắc nhở phụ huynh đưa con đi tiêm phòng vắc xin sởi, rubella đầy đủ./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website