A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng, chống ngăn ngừa Sởi bùng phát thành dịch

Trong tuần trên địa bàn toàn tỉnh Đăk Nông ghi nhận 87 trường hợp với 05 loại bệnh truyền nhiễm gồm 04 ca sốt xuất huyết, 11 ca tay chân miệng, 38 ca sởi, 04 ca lao và 30 ca thủy đậu.

Hiện tại, bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao thành dịch. Từ đầu năm 2025 đến nay (02/04/2025), toàn tỉnh ghi nhận 371 ca mắc với 07 ổ dịch (hiện 07 ổ dịch đã kết thúc), chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong các trường hợp mắc Sởi từ đầu năm 2025 đến nay, nhóm tuổi có số mắc cao nhất là từ 1-5 tuổi với 158 trường hợp mắc, chiếm 42,59%. Tất cả các trường hợp nghi mắc và mắc sởi đều được chăm sóc và điều trị tại các cơ sở y tế. Trong đó, có 49 trường hợp điều trị ngoại trú (13,2%) và 322 trường hợp điều trị nội trú (86,8%).

Đắk Mil là địa phương có số mắc cao nhất, tuy nhiên số ca mắc rải rác, tản phát, không tạo thành ổ dịch, mắc rải rác trong cộng đồng. Tại huyện Cư Jút và huyện Krông Nô, số ca mắc tập trung ở các ổ dịch, chủ yếu là nơi người dân tộc Mông sinh sống. Các địa phương khác có tính chất tương tự như huyện Đăk Mil, ca mắc rải rác trong người kinh.

Riêng huyện Đăk Glong có yếu tố nguy cơ ca bệnh tăng cao trong thời gian tới do địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là nhóm đối tượng quản lý thấp hơn nhiều so với thực tế do người dân không hợp tác với công tác tiêm chủng; công tác dân vận khó thực hiện.

Về tình hình triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống dịch cho đối tượng từ đủ 6-9 tháng toàn tỉnh đạt 93,5%; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống dịch cho đối tượng từ 1-5 tuổi đạt 91,6%, tỷ lệ tiêm cho đối tượng 6-10 tuổi đạt 96,2%. Các huyện vẫn đang tiếp tục triển khai tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng còn lại.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã hướng dẫn các huyện/thành phố thực hiện đánh giá nguy cơ Sởi theo quy mô xã/phường/thị trấn trong năm theo bộ công cụ chuẩn của WHO, kết quả có 67 xã có nguy cơ thấp, 04 xã có nguy cơ trung bình (Ea Tling, Đức Minh, Quảng Phú, Quảng Trực), không có xã nguy cơ cao và rất cao.

Bệnh Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút Sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh Sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc Sởi. Do đó, để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống bệnh Sởi, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ, khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website