TTYT Đăk Glong nỗ lực dập tắt các ổ dịch thuỷ đậu
Thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, thời tiết giao mùa nóng ẩm, dịch bệnh thuỷ đậu xuất hiện và lây lan nhanh trên địa bàn huyện Đăk Glong. Tính đến ngày 12/4, toàn huyện Đăk Long có 05 ổ dịch thuỷ đậu với 77 ca mắc phân bố rải rác tại 6/7 xã toàn địa bàn. Các ổ dịch xuất hiện hầu hết từ các trường học, đặc biệt là trường Mầm non với đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Phun hoá chất khử khuẩn tại nơi có ổ dịch
Khởi điểm là ổ dịch tại trường Mầm non thuộc xã Quảng Khê vào ngày 20/2. Bệnh nhân là bé trai 05 tuổi, học lớp Chồi tại trường Mẫu giáo Hoa Hồng. Tiền sử, bé chưa từng mắc thuỷ đậu và cũng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu trước đây. Bệnh khởi phát với các triệu chứng như sốt nhẹ, phát ban dạng mụn nước ở khắp người. Sau khi phát hiện bé xuất hiện các triệu chứng, nhà trường, gia đình và ngành Y tế đã phối hợp tiến hành các hoạt động cách ly, điều trị tại nhà đối với bệnh nhân. Liên tiếp sau đó, trường Mầm non Hoa Hồng ghi nhận thêm 08 trường hợp mắc khác nâng tổng số ca bệnh tại ổ dịch là 09 bệnh nhân. Điều đáng nói là cả 09 bệnh nhân, cả 9 cháu bé trong ổ dịch đều chưa từng tiêm vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu.
Tương tự ổ dịch tại Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Quảng Khê, các ổ dịch khác đều xuất phát từ các trường Mầm non, sau đó bệnh lây lan ra các trường hợp có liên quan như người sống cùng gia đình, bạn học cùng lớp. Ổ dịch có số ca bệnh nhiều nhất là trường Mầm non Ánh Dương và trường Tiểu học Trần Quốc Toản xã Đăk Ha cùng với 38 trường hợp. Điểm chung của các trường hợp mắc bệnh đều là trẻ chưa từng được tiêm vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu.
Ngay khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên, với kinh nghiệm nhiều năm triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, ngành Y tế huyện Đăk Glong lập tức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa nhằm khống chế không để ca bệnh lây lan, nhanh chóng tiến tới dập tắt ổ dịch, hạn chế thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.
Trung tâm Y tế huyện Đăk Glong phối hợp và hỗ trợ các xã thực hiện điều tra xác minh ổ dịch và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Thuỷ đậu. Với những hộ gia đình, trường học, khu vực ghi nhận ca bệnh, toàn ngành Y tế đã phối hợp với địa phương tổ chức chủ động điều tra, giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh, qua đó tiến hành cách ly và quản lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan bùng phát trên diện rộng. Cùng với các ban, ngành đoàn thể địa phương, ngành Y tế chủ trì triển khai phun hoá chất khử khuẩn trong nhà và khu vực xung quanh nhà cũng như các lớp học, trường học, khu vực ổ dịch. Ngoài ra, ngành Y tế còn tiến hành cấp Cloramin B và hướng dẫn người dân, giáo viên thực hiện khử khuẩn tại nhà và các lớp học, đặc biệt là khử khuẩn các vật dụng thường xuyên sử dụng như đồ dùng dạy học, đồ chơi, bàn ghế, ổ khoá cửa, công tắc điện…; tổ chức vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân đưa trẻ đến các điểm tiêm để tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.
Ông Đoàn Văn Đông - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS Trung tâm Y tế Đăk Glong cho biết: Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan nhanh nếu không thực hiện các biện pháp phòng chống. Vì vậy, lực lượng cán bộ y tế chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã trên địa bàn, khẩn trương tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân trên diện rộng về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, ngoài các buổi họp dân hoặc thăm hộ gia đình, chúng tôi tăng cường phát thanh trên hệ thống của địa phương để phổ biến thông tin, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống như: hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan; những trường hợp mắc bệnh Thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường; tiêm vắc xin phòng bệnh Thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi là biện pháp phòng tránh Thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất.
Sau nhiều nỗ lực khống chế và dập dịch, cả 05 ổ dịch thuỷ đậu tại huyện Đăk Glong đều đã được dập tắt. Sau 21 ngày phát hiện xử lý, các ổ dịch nói trên không ghi nhận ca mắc mới, công tác ứng phó, phòng chống dịch được đánh giá hiệu quả, kịp thời. Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân hầu hết đã ổn định, không có trường hợp diễn biến nặng hay tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Tại huyện Đăk Glong công tác phòng chống dịch bệnh thuỷ đậu nói riêng, các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Cũng theo ông Đông, hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT chưa được thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, và y tế địa phương cũng chưa thực hiện giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, dẫn đến số liệu bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh Thuỷ đậu nói riêng chưa được cập nhật đầy đủ về số mắc. Do đó, đã ảnh hưởng đến việc nhận định, phân tích, đánh giá xu hướng dịch bệnh trên địa bàn. Mặt khác, người dân khi mắc bệnh truyền nhiễm ở thể nhẹ thường tự mua thuốc uống hoặc đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân, không thực hiện khai báo cho cơ sở y tế công lập. Hơn nữa, tại địa phương, hầu hết người dân là nông dân làm việc đồng áng, điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn khiến họ ít tuân thủ các quy định cách ly, nghỉ ngơi hay tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh, đặc biệt là người dân không quan tâm đến việc tham gia tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Đây được xem là nguyên nhân căn cơ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, sởi… ở mọi đối tượng trên địa bàn.