A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Vắc xin – Vũ khí ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19

Theo các chuyên gia y tế, hiện vắc xin phòng Covid-19 vẫn là vũ khí quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch, bảo vệ người dân, làm giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Việc tiêm các mũi nhắc lại nhằm khôi phục khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể đã bị suy giảm theo thời gian, đặc biệt ở nhóm nguy cơ cao, người lớn tuổi và người mắc bệnh nền. Xác định tầm quan trọng của vắc xin ngừa Covid-19, thời gian qua, với nguồn vắc xin được cấp, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ tiêm liều nhắc lại (mũi 4) cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.

Tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tính đến ngày 20/10, Đắk Nông tiếp nhận 1.730.660 liều vắc xin phòng Covid-19, đã triển khai tiêm 1.708.166 liều, còn 22.494 liều. Cụ thể, tiêm mũi 3 cho đối tường từ 18 tuổi trở lên đạt 88,8%; tiêm mũi 4 cho đối tượng suy giảm miễn dịch thể vừa đến nặng, người từ 18 tuổi trở lên, nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm Covid-19 và các nhóm mở rộng đạt trên 94,72%; tiêm mũi 3 cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi đạt tỷ lệ 73,6%. Tỷ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 đạt 95,42%, mũi 2 đạt trên 67,94%. Với kết quả đạt được, Đắk Nông nằm trong top 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cao nhất cả nước. Nhờ chuẩn bị tốt mọi điều kiện, Đắk Nông cũng chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Thực tế cho thấy, kết quả bảo vệ của vắc xin là không thể phủ nhận và việc tăng tốc tỷ lệ bao phủ vắc xin cũng đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát, đặc biệt là giúp giảm tử vong. Tính đến ngày 24/10, lũy tích toàn tỉnh ghi nhận 74.275 ca mắc. Trong khi tỷ lệ tử vong của Việt Nam chiếm 0,4% so với tổng số ca nhiễm thì tại Đắk Nông tỷ lệ tử vong chỉ chiếm dưới 0,06%, và đây là một trong những thành công lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch của tỉnh. Việc phòng, chống dịch thành công cũng đã góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi kinh tế - xã hội thuận lợi hơn.

Tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phần lớn người lao động đã tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19, nhờ đó, tỷ lệ mắc và lây lan giảm mạnh so với trước đây. Hiện nay, mỗi ngày toàn tỉnh nói chung chỉ ghi nhận từ 5-10 ca mắc, có nhiều ngày không có ca bệnh. Hầu hết những trường hợp mắc bệnh đều có triệu chứng nhẹ và nhanh khỏi. Nhờ phòng dịch tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không bị gián đoạn, đình trệ. Với người dân các địa phương, việc tiêm đầy đủ liều nhắc lại cũng đã giúp họ bảo vệ sức khỏe và yên tâm làm việc trước đại dịch. Anh Trần Bảo Tuấn, trú tại Phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) tâm sự, nghề của anh là bán hàng (nhân viên tiếp thị), hàng ngày đi rất nhiều nơi, tiếp xúc rất nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Nhà có cha mẹ lớn tuổi lại có bệnh nền nên mỗi ngày đi làm về anh rất e ngại, sợ vô tình sẽ truyền bệnh cho người thân ở nhà. Từ khi cha, mẹ được tiêm 3 mũi vắc xin phòng Covid-19, bản thân cũng đã tiêm 4 mũi khiến anh cảm thấy yên tâm hơn hẳn. Việc đi làm về nhà và tiếp xúc với các thành viên trong gia đình diễn ra thoải mái hơn rất nhiều.

Trường THCS Chu Văn An, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong có 26 cán bộ, giáo viên và nhân viên. Để hoạt động dạy học đảm bảo an toàn trước đại dịch, Ban Giám hiệu nhà trường đã vận động toàn bộ cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch và tiêm chủng đầy đủ, từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, toàn trường không ghi nhận ca mắc Covid-19. Trước đó, năm học 2021-2022, khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở trong tỉnh, toàn trường cũng chỉ có vài ca mắc.

Tương tự, Trường Tiểu học Thăng Long, Phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa cũng là một trong những điển hình thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19. Việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh được nhà trường thực hiện tốt. 100% cán bộ giáo viên phải tham gia tiêm chủng đủ liều theo quy định của Bộ Y tế. Đối với học sinh, nhà trường phối hợp chặt chẽ với trạm Y tế phường trong việc thông báo, vận động phụ huynh đưa con đi tiêm theo quy định.

Hiện nay, khi số người nhiễm bệnh, tử vong giảm mạnh và không ít quốc gia đang dần xem Covid-19 là bệnh đặc hữu thì một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan cho rằng chỉ cần tiêm 2 mũi cơ bản là đủ, không cần thiết phải tiêm mũi 3, mũi 4. Một số lời truyền tai cho rằng tiêm vắc xin gây mất ngủ, rụng tóc, giảm trí nhớ, gây vô sinh ở nữ hay liệt dương ở nam … Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó tất cả chỉ là lời đồn vô căn cứ. Theo Bộ Y tế, hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vắc xin phòng Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Tùy vào thể trạng của mỗi người mà tác dụng phụ của vắc xin Covid-19 cũng khác nhau. Việc xảy ra các phản ứng phụ sau khi tiêm như: sốt, đau đầu, đau cơ toàn thân, mệt mỏi… là hết sức bình thường bởi cơ thể có cơ chế hoạt động để chống lại yếu tố lạ. Cũng không tránh khỏi việc một số người dị ứng với thành phần của vắc xin song lợi ích mà chúng mang lại cao hơn hẳn những nguy cơ có thể gặp. Với nhiều người dân đã tiêm mũi 4 cũng cho rằng những tin đồn trên là hoàn toàn không có cơ sở. Chị Mai Thị Loan, xã Đắk Đăk Nia, TP.Gia Nghĩa chia sẻ: Ban đầu mình cũng hoang mang dẫn đến trì hoãn việc đi tiêm nhắc mũi 4 vì lo ngại sẽ có những biến chứng như đồn đại. Sau khi nói chuyện với chị cán bộ y tế gần nhà, mình quyết định đi tiêm trong tâm thế nếu có phản ứng hay bất kể vấn đề gì cũng sẵn sàng ứng phó. Rất may là từ ngày tiêm đến nay sức khỏe mình vẫn bình thường, tư tưởng mình thấy thoải mái và yên tâm hơn khi cơ thể vừa được bổ sung một lượng kháng thể chống vi rút.

Mặc dù theo lý thuyết, khi đã nhiễm một loại vi rút thì cơ thể đã tạo ra kháng thể để chống lại virus đó. Tuy nhiên, đối với vi rút SARS-CoV-2, kháng thể tạo ra không bền vững mà giảm theo thời gian, trong khi những biến thể mới có thể xuất hiện. Vì vậy, việc tiêm liều nhắc lại (mũi 4) rất cần thiết, giúp cơ thể có thêm  kháng thể, tăng khả năng bảo vệ trước vi rút. Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ, việc chần chừ không tiêm vắc xin hoặc trì hoãn tiêm mũi nhắc lại, tiêm không đủ mũi dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gấp 5 lần so với người đã tiêm chủng đầy đủ.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các biến chủng mới với khả năng tránh miễn dịch, mức độ lây lan rất nhanh, nguy cơ thay thế các biến chủng đang tồn tại. Việt Nam hiện cũng đã ghi nhận sự có mặt của BA.5 và trong tương lai, sẽ còn có thể xuất hiện nhiều biến chủng khác. Đến nay, chưa có thuốc đặc trị Covid-19. Để phòng bệnh chủ động và giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong nếu không may mắc phải, việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 4) cho người từ 18 tuổi trở lên rà rất cần thiết, đặc biệt là các đối tượng suy giảm miễn dịch, nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm. Việc tiêm đầy đủ mũi nhắc lại không chỉ giúp bảo vệ cho chính mình, gia đình, mà còn góp phần mang lại sự an toàn cho cộng đồng trước đại dịch.

 


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website