A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp. Ngoài bệnh mới nổi Covid-19, một số bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát cao như bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết v.v… Do vậy, để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, ngoài những hoạt động điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật còn đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Nói chuyện cộng đồng về cách phòng chống bệnh truyền nhiễm tại xã Đắk R’Tih, huyện Tuy Đức

Tính đến tháng 11/2019, toàn tỉnh vẫn chưa ghi nhận ca dương tính với Covid-19, trong đó có 78 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh được cách ly tại cơ sở y tế, 321 trường hợp cách ly tại cơ sở tập trung; 1.528 trường hợp được cách ly y tế tại nơi lưu trú và 976 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính. Toàn tỉnh ghi nhận 39 ca bệnh bạch hầu, 4.496 người được uống thuốc dự phòng; 130.000 người được tiêm vắc xin phòng bệnh. Các bệnh như sốt xuất huyết ghi nhận 455 ca ( giảm 4.478 ca so với cùng kỳ năm 2019); sốt rét 52 ca (giảm 43 ca so với cùng kỳ)… Riêng bệnh tay chân miệng có số ca mắc tương đối cao, với hơn 400 ca, tăng 88 ca so với cùng kỳ năm 2019.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch thì công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được chú trọng, nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh cho người dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xác định làm tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là nền tảng cơ bản, góp phần vào sự thành công của công tác phòng chống dịch bệnh. Bác sỹ Ê Ban Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Người dân là nhân tố quyết định trong công tác phòng chống dịch bệnh. Do đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là hoạt động vô cùng quan trọng. Xác định rõ điều này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động truyền thông gián tiếp và trực tiếp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từ đó góp phần vào sự thành công của công tác phòng chống dịch bệnh”.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã in ấn cấp phát hơn 168.000 tờ rơi hướng dẫn cách ly, hướng dẫn rửa tay và sử dụng khẩu trang đúng cách; 4.000 tờ rơi hướng dẫn cách phòng chống Covid -19 bằng tiếng N’Mông;  in ấn và cấp phát 5.500 áp phích tuyên truyền phòng chống Covid bằng tiếng Việt, Anh, M’Nông, Hoa…Hỗ trợ thông điệp phát thanh về phòng tránh các bệnh truyền nhiễm cho Trung tâm y tế tuyến huyện/ thành phố để triển khai phát thanh thường xuyên tại các Trạm y tế, tại UBND xã/phường. Để nâng tầm hiệu quả các hoạt động truyền thông, Trung tâm đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, tổ chức phát sóng các thông điệp, các phóng sự tuyên truyền về phòng chống Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng v.v… Đặc biệt, đơn vị còn triển khai các hoạt động truyền thông trực tiếp, tuyên truyền cho bà con nhân dân các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm; nâng cao nhận thức của bà con về vai trò của vắc xin trong công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Theo chân cán bộ truyền thông của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong đợt nói chuyện cộng đồng phòng chống bệnh truyền nhiễm, chúng tôi đến xã Đắk R’Tít, huyện Tuy Đức, nơi có hơn 10.000 dân, trong đó có đến 75% là người đồng bào dân tộc tại chỗ. Nhận thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên việc tuyên truyền phòng chống bệnh truyền nhiễm cho người dân là điều vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Duyên, trú tại bon R’mun, xã Đắk R’Tih cho biết: “ Nhà tôi có hai con nhỏ, thường xuyên đau ốm. Vì vậy, tôi rất chú ý nghe các thông tin về phòng chống bệnh truyền nhiễm qua các phương tiện thông tin đại chúng; ngoài ra, mỗi khi có cán bộ y tế đến thăm hộ gia đình, tư vấn sức khỏe, tôi rất chú ý lắng nghe để thực hiện theo, nhằm  bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình”.

Công tác Truyền thông - giáo dục sức khoẻ là một mắt xích trọng yếu trong các khâu phòng chống dịch. Vừa qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông gián tiếp và trực tiếp tại tuyến tỉnh cũng như tuyến cơ sở, đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, trong các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng còn gặp không ít khó khăn. Hầu hết cán bộ truyền thông ở tuyến huyện, xã đều là kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác truyền thông còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc đầu tư trang thiết bị, kinh phí cho hoạt động truyền thông cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tại các địa phương. Sự phối hợp giữa ngành Y tế và các ban ngành, đoàn thể ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, điều đó đã ảnh hưởng không  nhỏ đến việc triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe. Tỷ lệ người dân tiếp cận với các thông tin về chăm sóc sức khỏe, hiểu biết và thực hành phòng chống các  bệnh truyền nhiễm chưa cao.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao vai trò của công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tiếp tục củng cố và kiện toàn mạng lưới truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, mở các lớp kỹ năng truyền thông phòng, chống dịch bệnh cho lực lượng cộng tác viên, nhân viên y tế; đa dạng hóa các loại hình truyền thông, kênh truyền thông, tập trung biên soạn sản xuất các loại tài liệu truyền thông để hỗ trợ tuyến cơ sở. Nâng tầm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, phát triển đồng bộ tại tất cả các tuyến trên địa bàn tỉnh./.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website