Chuyên gia khuyến nghị 6 bước giúp các cơ sở y tế bảo vệ dữ liệu người dùng
Lộ lọt thông tin dữ liệu người dùng đang diễn ra phức tạp cả trên thế giới và tại Việt Nam. Còn tại Việt Nam, vào tháng 9/2021, thông tin 5 triệu người dùng ô tô Việt Nam đã bị rao bán trên web đen; cuối năm 2021, thống kê của NordPass cho biết hàng triệu mật khẩu người dùng Việt Nam bị lộ và “123456” là mật khẩu phổ biến nhất.
Riêng trong lĩnh vực y tế, hàng loạt sự cố liên quan đến dữ liệu người dùng cũng xảy ra trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, tháng 8/2021, dữ liệu tiêm chủng của 38 triệu người Mỹ đã bị lộ lọt; vào tháng 9/2021, ở Indonesia xảy ra lộ lọt thông tin 1,3 triệu người dùng hai ứng dụng phòng, chống Covid-19. Đáng chú ý, Singapore đã dừng các dự án CNTT có sử dụng dữ liệu cá để xem xét lại vấn đề bảo mật khi lộ hồ sơ sức khỏe của 1,5 triệu người vào năm 2017.
Với Việt Nam, gần đây nhất, vào trung tuần tháng 8, nhiều sản phụ phản ánh đến Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) nghi ngờ thông tin cá nhân của mình bị lộ khi đi sinh tại đây. Thời điểm đó, lãnh đạo bệnh viện Từ Dũ đã họp báo thông tin về những nguyên nhân khách quan, chủ quan có thể khiến lộ thông tin của người dùng dịch vụ y tế của bệnh viện.
Lộ lọt dữ liệu cá nhân làm mất lòng tin, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chương trình chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: Internet) |
Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Minh Đức, CEO Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar nhận định, ở góc độ của đơn vị làm bảo mật, các sự cố lộ lọt thông tin người dùng dịch vụ như trên hoàn toàn không gây bất ngờ. Bởi mọi tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam hay trên thế giới, hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, đều có thể là nạn nhân của rò rỉ dữ liệu.
“Đây cũng là lý do khiến nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng những điều luật, quy định riêng, bắt buộc trong ngành y tế với mục tiêu hàng đầu là bảo vệ toàn vẹn quyền an toàn và quyền riêng tư dữ liệu của bệnh nhân. Hiện tại, việc chưa có đủ chế tài, luật định; tổ chức chưa có ý thức trang bị các giải pháp bảo vệ an ninh thông tin chính là lỗ hổng khó lấp đầy”, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của chuyên gia CyRadar, quá trình chuyển đổi số hướng đến thay thế toàn bộ “Protected Health Information - PHI” - thông tin sức khỏe cần được bảo vệ bằng ePHI -thông tin sức khỏe điện tử cần được bảo vệ. Nếu trước đây, thông tin được lưu trữ trên giấy thì cách thức bảo vệ liên quan đến hoạt động đảm bảo từ góc độ con người (đào tạo nhân viên, chuẩn hóa chính sách, thủ tục, hợp đồng, mẫu báo cáo...); còn khi chuyển đổi số, các cơ sở y tế phải quan tâm đến yếu tố công nghệ nhiều hơn.
Và như mọi thông tin số khác, dữ liệu y tế sẽ dễ dàng bị đánh cắp, lộ lọt, dùng để tống tiền thông qua các cuộc tấn công mạng, lừa đảo kỹ thuật, phi kỹ thuật, nhiễm mã độc dẫn đến tự hủy dữ liệu. “Bản thân các thiết bị cá nhân như laptop, điện thoại, máy tính bảng của nhân sự có quyền truy cập dữ liệu bệnh nhân phải được bảo vệ tối đa. Nếu bị mất cắp, kẻ gian vô tình lấy được nhiều dữ liệu của bệnh viện, thông tin quan trọng của bệnh nhân. Trên chợ đen, các dữ liệu này vô cùng đắt giá so với nhiều loại khác”, chuyên gia CyRadar cho hay.
Để bảo vệ tốt hơn thông tin dữ liệu của bệnh viện, người bệnh, chuyên gia CyRadar khuyến nghị cả trước và trong quá trình chuyển đổi số, các cơ sở y tế cả nhà nước và tư nhân thực hiện 6 bước, bao gồm: Thay đổi dạng thức của dữ liệu - nhập liệu, tạo cơ sở dữ liệu chính xác và đảm bảo an toàn cho chúng; Trang bị các phần mềm quản lý hồ sơ được phân cấp, phân quyền tương ứng với chức vụ và quyền hạn; Đào tạo cán bộ, nhân viên y tế về quy trình cũng như nhận thức đúng, đầy đủ về PHI và ePHI; thiết lập những giải pháp bảo mật, quản lý rủi ro, rò rỉ dữ liệu, tích hợp lưu trữ thông tin để trích xuất khi cần thiết; Có nhân sự chuyên trách chịu trách nhiệm rà soát yếu điểm định kỳ, và phương án xử lý xử cố an toàn thông tin kịp thời; Có quy định, quy trình, chính sách rõ ràng cụ thể về việc truy cập, trung chuyển, xác thực dữ liệu khi cần.
Đối với người dùng các dịch vụ, trước tiên cần ý thức được mọi thông tin của mình khi đăng tải lên Internet, chia sẻ với người thân, bạn bè qua các ứng dụng, nền tảng đều có nguy cơ bị lấy trộm, đánh cắp, lộ lọt. Vì vậy, cần cân nhắc trước khi cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ nhãn hàng, nền tảng, bên thứ ba nào.
Người dùng nên hạn chế tối đa việc đăng tải quá nhiều thông tin cá nhân lên các nền tảng và ứng dụng giải trí. Cùng với đó, hãy luôn bật xác thực 2 yếu tố khi truy cập vào bất kỳ loại tài khoản nào, nhất là các tài khoản liên kết với ngân hàng, ví điện tử…; thường xuyên thay đổi mật khẩu, sử dụng mật khẩu mạnh.