A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số

Thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt là biện pháp giúp giảm thời gian chờ đợi, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh cho người nhà và người bệnh đồng thời giúp các cơ sở y tế thuận lợi hơn trong việc quản lý thông tin bệnh nhân và nguồn thu viện phí, qua đó giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Đăk Nông đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở khám, chữa bệnh nhằm giảm tải thủ tục hành chính và góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trong ngành Y tế.

Khách hàng thao tác thanh toán điện tử tại TTYT huyện Đăk R'lấp

Tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 7/8 cơ sở khám, chữa bệnh công lập triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thu viện phí và các dịch vụ y tế, bao gồm Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đăk Song, TTYT huyện Đăk Mil, TTYT huyện Cư Jút, TTYT huyện Đăk Glong, TTYT huyện Krông Nô, TTYT huyện Đăk R’lấp và TTYT huyện Tuy Đức. Riêng Bệnh viện đa khoa tỉnh dự kiến sẽ triển khai vào cuối tháng 3 này. Như vậy, với lộ trình đã đề ra, đến tháng 4/2023, 100% cơ sở y tế công lập trong toàn ngành sẽ hoàn tất việc thu viện phí và các dịch vụ y tế không dùng tiền mặt bằng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR hoặc thông qua dịch vụ mobile money, viettiel money và thẻ POS.

Chị Phạm Huyền Trang ở Thị trấn Kiến Đức, huyện Đăk Rlấp đăng ký khám và điều trị bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Rlấp. Đây là lần thứ 2 chị Trang sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc quét mã QR. So với hình thức thanh toán truyền thống, việc thanh toán quét mã QR giúp chị Trang linh hoạt hơn, chủ động các khoản thanh toán, giảm thời gian xếp hàng chờ đợi. Chị nói “Việc thanh toán bằng cách quét mã QR này giúp tôi cảm thấy yên tâm, bớt áp lực hơn khi đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Tôi không phải mang theo nhiều tiền mặt nên không sợ rủi ro mất mát, lẫn lộn tiền bạc chỗ đông người. Mặt khác tôi cũng không phải xếp hàng chờ đến lượt thanh toán viện phí như trước đây vốn rất mất thời gian và mệt mỏi”.

Không chỉ chị Trang mà nhiều người dân khác tại địa bàn huyện Đăk R’lấp cũng đồng tình với việc thanh toán các chi phí không dùng tiền mặt khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh. Điều này càng đặc biệt hữu ích với những cơ sở y tế có lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh đông như TTYT huyện Đăk R’lấp. Tại đây, trung bình mỗi ngày có từ 500-700 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Việc thanh toán viện phí bằng cách quét mã QR đã giúp người dân và đội ngũ cán bộ giảm được rất nhiều thời gian, thủ tục liên quan đến việc thanh toán viện phí và các chi phí khác. Hầu hết các khách hàng sau khi tham gia trải nghiệm chi trả chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt đều cảm thấy rất thuận lợi, thao tác đơn giản, nhanh chóng, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền mặt khi đi lại trên đường hay trong quá trình nằm điều trị tại bệnh viện.

Ông Nguyễn Văn Thủ - Trưởng Phòng Hành chính Kế toán Trung tâm Y tế Đăk Rlấp cũng cho biết, việc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt giúp các cơ sở khám, chữa bệnh kiểm soát tốt nguồn thu viện phí, giảm áp lực cho đội ngũ nhân viên thu phí đồng thời tránh được các rủi ro, phức tạp như nhầm lẫn, thống kê, đối soát.

Thực tế cho thấy, thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu đông đảo bộ phận người dân và các cơ quan tổ chức trên địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Huynh – Phó Giám đốc Sở Y tế, việc triển khai thực hiện thu phí không dùng tiền mặt của các cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Huynh cho biết, bên cạnh những người đồng tình, hưởng ứng chủ trương thì vẫn còn nhiều trường hợp không muốn hoặc không đủ điều kiện tham gia thực hiện dịch vụ. Tại những địa bàn vùng sâu vùng xa như huyện Tuy Đức, Đăk Glong, đời sống dân trí – xã hội thấp, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cũng như dùng tài khoản các ngân hàng thương mại của người dân rất thấp dẫn đến số lượng khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt không cao. Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại hai cơ sở này mới chỉ đạt khoảng 20-25% tổng số giao dịch toàn đơn vị. Ngoài ra, hiện nay chi phí chi trả cho các đơn vị cung cấp dịch vụ ngân hàng cao cũng gây khó khăn cho các cơ sở y tế trong việc triển khai thanh toán điện tử.

Để việc triển khai thực hiện thanh toán điện tử thuận lợi, các cơ sở y tế đã chủ động triển khai nhiều giải pháp trong đó phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán đầu tư các loại trang thiết bị kết nối hiện đại lắp đặt tại bệnh viện. Các trung tâm Y tế cũng thường xuyên rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các biện pháp an ninh bảo mật nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng thanh toán điện tử. Đối với bộ phận người dân không có thẻ và tài khoản ngân hàng, thời gian tới, ngành Y tế sẽ kết nối, phối hợp với hệ thống các ngân hàng tổ chức cấp thẻ và tài khoản nhằm giúp họ có được các nền tảng cần thiết để tiếp cận việc thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện.

          Chuyển đổi số không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu. Qua triển khai cho thấy thanh toán điện tử không tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện, người bệnh và xã hội. Vì vậy, hiện tại, ngành Y tế Đăk Nông đang tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở khám chữa bệnh qua đó góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website