A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm vi rút dại từ vật nuôi

Vừa qua, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh (BVĐK) ghi nhận 02 trường hợp tử vong do bệnh dại. Việc liên tục có người tử vong do phơi nhiễm với vi rút dại đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng gia tăng bệnh dại trên động vật nuôi trong cộng đồng, đa phần là chó.

Những cái chết thương tâm

Bác sỹ Lang Văn Đức- chuyên trách công tác phòng, chống bệnh dại - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, thông qua Hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm và giám sát dựa vào sự kiện (EBS), đơn vị đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong do mắc bệnh dại trên địa bàn huyện Đắk G’Long. Đặc biệt, 01 trong 02 bệnh nhân tử vong đã có mẫu bệnh phẩm xét nghiệm dương tính với vi rút dại. Qua điều tra dịch tễ, xác minh ca bệnh, cả 02 trường hợp đều không xử lý vết thương, không điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Cụ thể, trường hợp nạn nhân tại Thôn 2, xã Đăk Ha được xác định bị chó nhà nuôi cắn vào đầu ngón tay gây xây xước nhẹ, chảy máu ít vào thời điểm tháng 8/2019. Sau khi bị chó cắn, nạn nhân không xử lý vết thương (rửa tay bằng xà phòng hay thuốc sát trùng) và không điều trị dự phòng bằng huyết thanh kháng dại và tiêm vắc xin phòng dại. Ngay sau khi cắn người, con chó đã bị gia đình đập chết. Đáng nói, sau thời điểm nạn nhân bị chó cắn khoảng 01-02 tuần, cả 03 con chó cùng đàn với con đã cắn người đều liên tiếp bị chết do các bệnh về đường tiêu hóa. Đến ngày 12/3/2020, nạn nhân có biểu hiện tê cánh tay, đau đầu, khó nuốt, sợ gió, nước cùng với thể trạng mệt mỏi, được người nhà đưa vào BVĐK tỉnh điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Dại giai đoạn toàn phát/Tăng huyết áp. Tình trạng bệnh diễn tiến với tiên lượng xấu. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến lên BV Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh và tử vong ngày 14/3. Kết quả xét nghiệm từ bệnh phẩm, dương tính với vi rút dại.

Tương tự, trường hợp tử vong tại bon R’Bút, xã Quảng Sơn cùng địa bàn huyện Đăk Glong, cho thấy, nạn nhân cũng bị chó cắn vào thời điểm tháng 3/2019 làm chảy máu vùng đầu, cổ, má bên phải. Sau khi bị chó cắn nạn nhân không xử lý vết thương, không điều trị dự phòng bằng vắc xin mà điều trị theo phương pháp Đông y. Đến ngày 22/3/2020, nạn nhân có biểu hiện đau vùng má bên phải nơi bị chó cắn kèm đau đầu, khó nuốt, sợ gió, sợ nước, người mệt mỏi và khó thở, tức ngực và lập tức được gia đình đưa vào BVĐK tỉnh điều trị. Tại đây, nạn nhân được chẩn đoán rối loạn nhịp tim chưa xác định/theo dõi bệnh Dại lên cơn với tiên lượng xấu. Gia đình đã chuyển tuyến bệnh nhân lên BV Nhiệt đới TP.HCM nhưng nạn nhân cũng tử vong ngay sau đó vào ngày 24/3.

Kết quả điều tra, giám sát cho thấy các nạn nhân đều từng phơi nhiễm với chó trong khoảng thời gian gần 01 năm trước đó. Khoảng thời gian 03 tháng trước khi khởi phát bệnh, dù gia đình không xác định được cả 02 nạn nhân này có phơi nhiễm với các động vật khác nghi mắc Dại hay không, nhưng từ 01 kết quả xét nghiệm xác định nạn nhân dương tính vi rút dại,  cùng với các biểu hiện bệnh giống nhau, xét về yếu tố dịch tễ thì có thể khẳng định các nạn nhân tử vong đều do mắc bệnh dại.

Báo động tình trạng lây lan bệnh dại trên động vật nuôi

Trong những tháng đầu năm đã có 02 trường hợp trên cùng một địa bàn (huyện Đăk Glong) tử vong do phơi nhiễm với vi rút dại từ chó nuôi làm dấy lên hồi chuông cảnh báo tình trạng và mức độ nguy hiểm của bệnh dại lây lan trong cộng đồng. Ngược dòng thời gian, những năm gần đây, số trường hợp dại trên động vật đang có xu hướng gia tăng. Năm 2017 toàn tỉnh ghi nhận 01 ổ dịch khiến 01 người tử vong; năm 2018 không có ổ dịch nào xuất hiện nhưng năm 2019 có 06 ổ dịch dại trên chó nuôi rải rác trên địa bàn. Cả 06 trường hợp này đều phát bệnh cắn người nhưng nhờ phát hiện sớm nên các đơn vị chức năng đã sớm can thiệp kịp thời, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng. Những người bị chó cắn cũng kịp thời tiêm vắc xin phòng bệnh và tiêm huyết thanh nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, ông Đức cho biết, mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng việc bị chó dại cắn khiến bệnh nhân chịu tổn thất về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận. Mặt khác, khi bị chó, mèo mắc dại cắn, nếu không tiêm vắc xin và huyết thanh kháng độc tố kịp thời thì bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong do hiện nay chưa có thuốc điều trị đối với bệnh nhân dại lên cơn.

Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, năm 2018, toàn quốc có 105 người chết do chó dại cắn. Năm 2019 con số này có giảm, còn 81 trường hợp. Tất cả trong số tử vong này đều không được tiêm huyết thanh và vắc xin sau khi bị phơi nhiễm với động vật mắc dại.

Khó khăn trong dự phòng, giảm thiểu dịch bệnh

Thực tế cho thấy, các ổ dịch thường xuất hiện tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Động vật mắc dại mà chủ yếu là chó với 84%, kế đến là mèo 12%. Nạn nhân thường là những đối tượng dễ tổn thương như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các vùng khó khăn nói trên. Những nơi này, nhận thức, hiểu biết của người dân về bệnh dại còn hạn chế, hành động tiêm vắc xin phòng dại bị cản trở bởi các rào cản về kinh tế, thời gian, sự hiểu biết... Vì vậy, kể cả khi bị chó, mèo cắn, nhiều người cũng không đi tiêm vắc xin điều trị dự phòng bệnh dại. Theo đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong báo cáo tổng kết công tác phòng chống bệnh dại năm 2019, có 61% người không đi tiêm vắc xin phòng bệnh vì nghĩ rằng chó nhà cắn và tại thời điểm cắn chó bình thường; 14% không có kiến thức về bệnh dại; 7% không có tiền đi tiêm; 16% dùng thuốc Đông y điều trị; 1% là do trẻ nhỏ không nói bị chó cắn.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, tổng đàn chó được nuôi tại các hộ gia đình trên toàn tỉnh hiện là 66.000 con, tuy nhiên số mũi tiêm vắc xin phòng dại hàng năm chỉ khoảng hơn 14.000 mũi. Số lượng chó nuôi tại các hộ gia đình ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước tỷ lệ nghịch với số mũi tiêm phòng dại cho động vật nuôi hiện nay. Lý giải cho thực trạng này, ông Lê Công Nghĩa – Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh động vật Chi cục Phát triển nông nghiệp cho biết “Hầu hết các hộ gia đình nuôi chó theo tính tự phát, nuôi để giữ nhà, trông rẫy, không xích, nhốt nên khó tiếp cận khi tiêm. Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình chủ quan, coi thường dịch bệnh, không phối hợp với bộ phận Thú y trong việc thực hiện quy định tiêm phòng cho chó nuôi. Ngoài ra, chế độ cho người tiêm phòng thấp trong khi điều kiện khó khăn, lực lượng mỏng (01 cán bộ thú y/01 xã, phường, thị trấn), địa bàn rộng, khó di chuyển nên việc triển khai tiêm vắc xin phòng dại còn nhiều hạn chế”

Nỗ lực can thiệp giảm nguy cơ và hậu quả do bệnh dại

Trước rất nhiều khó khăn cũng như nguy cơ từ tình hình bệnh dại, thời gian qua, ngành Y tế mà đầu mối là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm can thiệp giảm tải hậu quả lây truyền bệnh dại từ động vật sang người trong cộng đồng. Thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh dại. Lồng ghép trong các hoạt động tại cộng đồng như tiêm chủng, điều tra dịch tễ, họp thôn bon … cán bộ y tế đã nói chuyện, phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến kiến thức đồng thời vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm vắc xin phòng dại cho động vật nuôi cũng như cho người bị phơi nhiễm. Về công tác giám sát, phát hiện, hiện các đơn vị liên quan như Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh; Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp các huyện … đều duy trì hoạt động đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh đồng thời khuyến khích người dân kịp thời phản ánh khi phát hiện trường hợp bệnh dại xảy ra trên địa bàn. Theo đó, năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn trên toàn địa bàn với tổng kinh phí lên đến hơn 8 tỷ đồng, trong đó riêng với công tác tiêm vắc xin phòng dại chiếm gần 2 tỷ đồng nhằm nỗ lực khỏa lấp các khoảng trống còn tồn tại trong công tác phòng chống dại như chế độ cho lực lượng phòng dịch; vật tư, hóa chất và thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng như người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi tiêm phòng dại…

Ảnh minh họa từ internet


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website