Chung tay chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc người cao tuổi
Hiện nay, số lượng NCT đang có xu hướng tăng nhanh, dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Tại Đắk Nông, hiện có khoảng 27.000 người cao tuổi (chiếm gần 5% tổng dân số toàn tỉnh), trong đó có khoảng gần 5.000 cụ 80 tuổi trở lên.
Thời gian qua, thực hiện Chiến lược dân số và phát triển, công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT đã từng bước được quan tâm hơn và có nhiều chuyển biến tích cực. Mỗi năm, toàn tỉnh đã có hàng ngàn lượt NCT được khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế. Riêng trong năm 2018, toàn tỉnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 18.143 người NCT (đạt 67%); 18.560 NCT được cấp thẻ bảo hiểm y tế và lập hồ sơ quản lý sức khỏe theo quy định tại Thông tư 35/2011/TT-BYT cho 19.047 cụ.
Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh, nhiều NCT còn được khám và phẫu thuật mắt miễn phí. Điều đáng ghi nhận, tuy còn nhiều khó khăn, nhưng hiện nay, hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều đã xây dựng được Quỹ toàn dân chăm sóc NCT với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, kịp thời thăm hỏi người cao tuổi lúc ốm đau, hoạn nạn, ngày lễ, tết…
Ngoài ra, nhằm giúp NCT sống vui, các cấp Hội NCT trên địa bàn còn tổ chức các sân chơi lành mạnh, vui khỏe, thu hút đông đảo NCT tham gia. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được hơn 125 câu lạc bộ với 2.230 NCT tham gia sinh hoạt như dưỡng sinh, thơ ca, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn, cây cảnh, cồng chiêng, dệt thổ cẩm… Về công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe NCT, ngành Y tế đang thúc đẩy thành lập Khoa Lão khoa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh với 29 giường bệnh. Đề án đã được trình duyệt và sớm đi vào hoạt động trong thời gian tới để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi trên địa bàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Kể từ khi tách lập đến nay, trên địa bàn chưa có cơ sở y tế chuyên chăm sóc sức khỏe cho NCT (bệnh viện lão khoa, trung tâm lão khoa…), đồng thời tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện chưa thành lập khoa lão khoa hoặc bố trí giường để điều trị người bệnh là NCT cũng như chưa có bác sỹ chuyên khoa về lão khoa. Đây là hạn chế lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe NCT. Thêm vào đó là sự khó khăn của NCT tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Ngoài ra, xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam nói chung, Đắk Nông nói riêng đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân, con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Vì vậy, NCT đang ngày càng gặp nhiều bất lợi bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất đối với NCT. Thực tế cho thấy, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT như: chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội… nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội này mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận rất nhỏ của NCT. Đời sống vật chất của nhiều NCT còn gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến các cụ chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ trong khi khả năng đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật, nhất là các bệnh mãn tính không lây như xương khớp, tim mạch, trầm cảm… là rất cao. Vì vậy, NCT khi mắc bệnh thường được phát hiện muộn, nguy cơ tàn tật cao và khả năng điều trị thành công thấp.
Để công tác chăm sóc sức khỏe NCT ngày càng hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực phục vụ đời sống vật chất, tinh thần cho người cáo tuổi, cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện tốt các chính sách, chế độ NCT. Đối với ngành Y tế, cần thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện NCT với đầy đủ trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực chuyên sâu để phục vụ khám và điều trị cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung duy trì các hoạt động nhằm giảm tỷ lệ sinh, kiểm soát tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng giống nòi… nhằm làm chậm thời gian chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già”. Các hoạt động, mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng cũng cần tiếp tục được triển khai ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả cao.