Uốn ván sơ sinh, thực trạng và giải pháp
Bệnh uốn ván là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do trực khuẩn uốn ván gây ra. Uốn ván sơ sinh là dạng uốn ván tổng quát thường xảy ra ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do người mẹ và trẻ sơ sinh không được tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh nên trẻ sinh ra không có miễn dịch thụ động. Vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể trẻ chủ yếu qua đường rốn trong quá trình sinh đẻ, do cắt rốn hoặc chăm sóc rốn sau đẻ không đảm bảo vô trùng. Biện pháp hiệu quả nhất để phòng uốn ván sơ sinh là tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván.
Tiêm vắc xin uốn ván là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất
Vào thời điểm những ngày đầu tháng 2/2019, trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do uốn ván đã xảy ra tại thôn Sapa – xã Thuận An (Đăk Mil). Kết quả điều tra, xác minh và hồi cứu cho thấy, bệnh nhân là một bé gái chưa đặt tên sinh ngày 17/01/2019. Mẹ của bé là người dân tộc M’Nông. Sau khi nhập viện 02 ngày thì bé tử vong với kết luận bệnh nhân bị uốn ván sơ sinh của BVĐK vùng Tây Nguyên. Nguyên nhân được xác định, trẻ được sinh tại nhà do Bà mụ vườn đỡ đẻ; dụng cụ cắt rốn bằng dao lam không vô trùng; buộc dây rốn bằng chỉ may, băng rốn bằng gạc khô. Trước đó, sản phụ không được theo dõi, quản lý tại trạm Y tế; không thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng uốn ván trong suốt thai kỳ.
Bác sỹ Nguyễn Ly Sắc – Phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm KSBT cho biết, đây là trường hợp đầu tiên bị uốn ván của năm 2019. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh thấp, hàng năm rải rác xuất hiện một vài trường hợp mắc bệnh ở những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù ít nhưng khi uốn ván xảy ra thì không có biện pháp cứu chữa, khả năng tử vong rất cao. Vì vậy, uốn ván sơ sinh vẫn là vấn đề cần được quan tâm giải quyết triệt để. Ông Sắc cũng cho biết thêm, hiện nay địa phương ghi nhận nhiều trường hợp uốn ván nhất là huyện Tuy Đức, trong đó xã Đăk Ngo là khu vực “nóng” về tình trạng uốn ván sơ sinh. Tại đây, liên tiếp nhiều năm liền đều có trường hợp mắc bệnh và tử vong. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm đều có 1 trường hợp trẻ sơ sinh bị uốn ván thuộc các thôn, bon trên địa bàn. Ghi nhận cho thấy, xã Đăk Ngo là xã đặc biệt khó khăn với trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống kinh tế của người dân nghèo nàn, lạc hậu; diện tích tự nhiên rộng, dân cư thưa thớt; tỷ lệ người dân tham gia tiêm chủng luôn không đạt chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt là tiêm chủng đầy đủ 08 loại vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng cho trẻ em luôn chỉ đạt dưới 90%, tiêm chủng UV2+ cho phụ nữ có thai luôn dưới 80%.
Bệnh uốn ván thường xuất hiện ở những địa bàn có tỷ lệ người dân tham gia tiêm chủng thấp; ý thức về chăm sóc sức khỏe hạn chế; tồn tại nhiều tập tục sinh hoạt lạc hậu; vấn đề vệ sinh môi trường không đảm bảo. Bên cạnh đó, tình trạng di cư tự do dẫn đến sự tích lũy đối tượng hằng năm không được tiêm chủng. Một số trường hợp khác như nhóm chị em phụ nữ thường đi làm công nhân hoặc làm ăn xa, khi mang thai gần đến kỳ sinh nở mới trở về, vì vậy trong suốt quá trình mang thai thường không quản lý thai nghén tại các cơ sở y tế, do đó không được tiêm phòng vắc xin cũng như theo dõi, chăm sóc sự phát triển của thai kỳ. Những đặc điểm trên khiến nguy cơ tiềm ẩn mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh uốn ván nói riêng trong cộng đồng cũng như miễn dịch cộng đồng luôn đạt thấp. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần triệt để thực hiện tốt công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh nói chung.
Để làm tốt việc này, trước hết ngành Y tế địa phương phải rà soát, quản lý và theo dõi được đối tượng phụ nữ từ 15-49 tuổi, tuyên truyền, vận động khuyến khích họ tham gia tiêm vắc xin phòng uốn ván trước và trong thai kỳ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường quản lý chặt chẽ tình trạng dân di cư, tránh trường hợp bỏ sót đối tượng phụ nữ mang thai không được tiêm vắc xin phòng uốn ván. Các cơ quan ban ngành chức năng xem xét gia tăng chính sách, chế độ cho lực lượng y tế thôn bon làm động lực để họ phát huy vai trò trách nhiệm trong cộng đồng. Công tác thông tin, tuyên truyền cần nâng cao nhận thức của người dân về những lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh. Phổ biến lịch tiêm chủng rộng rãi, hướng dẫn người dân xử lý các phản ứng thường gặp sau khi tiêm để người dân chủ động, tích cực trong công tác tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là tại những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2005, nước ta đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên quy mô toàn quốc. Đây là thành quả đáng ghi nhận. Việc duy trì thanh quả là rất quan trọng, đòi hỏi sự thống nhất và chung tay của cả cộng đồng.