Hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu nhân đạo 07/4
Ngày 07/4/2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện và quyết định lấy ngày 07/4 hàng năm là ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.
Kể từ năm 2000 đến nay, ngày 07/4 hàng năm là dịp để các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân cả nước về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu thường xuyên. Từ đó lan tỏa phong trào hiến máu rộng khắp trong toàn xã hội.
Trong Thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước nhân ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “…Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình. Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.”.
Tất cả chúng ta, mỗi người có sức khoẻ bình thường đều có thể hiến một phần máu của mình để cứu người mà không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Điều này đã được chứng minh bằng cơ sở khoa học và thực tiễn.
Điều kiện hiến máu
- Độ tuổi từ 18 đến 60.
- Có trạng thái tinh thần và sức khỏe tốt.
- Cân nặng ít nhất là 42 kg (nữ) và 45 kg (nam).
- Lần hiến máu gần nhất cách 12 tuần trở lên (3 tháng).
- Không nhiễm hay có nguy cơ nhiễm HIV.
- Không bị viêm gan B và virus lây qua đường máu.
- Không bị bệnh tim mạch, huyết áp, hô hấp và dạ dày.
Lợi ích của việc hiến máu
Mỗi lần tham gia hiến máu, người hiến máu được bác sĩ khám và tư vấn cho người hiến máu. Lượng máu hiến một lần không quá 9 ml/kg ( <1/10 lượng máu của cơ thể). Ngay trong khi hiến máu, số lượng máu trong cơ thể của bạn có thể thay đổi. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, các chỉ số vẫn ở trong giới hạn sinh lý bình thường và cơ thể sẽ tự điều hòa mà không gây ảnh hưởng đến chức năng sống. Sau khi hiến máu, lượng máu sẽ được hồi phục sau 3-5 ngày, các thành phần trong máu được tái tạo,trẻ hóa và có sức đề kháng chống bệnh tật.
Thành phần máu bao gồm tế bào máu và huyết tương, chúng luôn được đổi mới hàng ngày. Mỗi tế bào máu có đời sống nhất định như hồng cầu là 120 ngày. Tiểu cầu 8-12 ngày. Mỗi ngày số lượng tế bào máu bị tiêu huỷ sinh lý do tới giới hạn của đời sống là khoảng 25-50 ml máu. Tủy xương là cơ quan tạo máu chính, nó sản sinh các tế bào máu mới tương đương với lượng máu bị hủy sinh lý. Khi máu ngoại vi thiếu hụt dưới tác động của cơ chế kích thích tạo máu, tủy xương sẽ tăng sinh gấp 7-8 lần bình thường để tạo ra hồng cầu và các tế bào máu mới. Sau thời gian hiến máu khoảng từ 3-4 tuần, các thành phần máu được hồi phục gần như bình thường. Do đó khi hiến máu, việc thay đổi một số lượng tế bào máu già cỗi bằng số lượng tế bào máu mới khỏe mạnh có đời sống dài, đảm bảo chức năng tốt hơn. Ngoài ra, các kích tố của một số cơ quan nội tiết sẽ khiến cho việc chuyển hoá của cơ thể tốt hơn sau khi hiến máu.
Người hiến máu khi tham gia hiến máu được tư vấn, khám sức khỏe, được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện có giá trị bồi hoàn lại máu (trong trường hợp không may bản thân cần phải truyền máu) tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Ngay sau khi hiến máu người hiến máu được bồi dưỡng bằng một xuất ăn nhẹ, trao tặng quà và hỗ trợ tiền chi phí đi lại. Ngoài ra người hiến máu được tôn vinh khen thưởng với số lần đã hiến máu. Người hiến máu có thể tham gia hiến máu trở lại sau thời gian tối thiểu là 3 tháng.
Ngân hàng máu sẽ thu nhận, thử các xét nghiệm trên các túi máu về nhóm máu, các virút, vi trùng, ký sinh trùng lây qua đường truyền máu như viêm gan siêu vi B, C, HIV, Giang mai, Sốt rét, kháng thể bất thường,… để loại các túi máu có mầm bệnh. Từ một túi máu toàn phần, Ngân hàng máu có thể tách ra thành nhiều loại sản phẩm máu khác nhau. Tùy từng nhu cầu của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ điều trị có những chỉ định sử dụng các sản phẩm máu đặc hiệu theo nguyên tắc thiếu thành phần nào truyền thành phần máu đó.
Quyền lợi của việc hiến máu
Theo Điều 12 Thông tư số 26/2013/TT-BYT hướng dẫn hoạt động truyền máu quy định về quyền lợi của người hiến máu như sau:
Được cung cấp thông tin về các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lý do nhiễm các vi rút viêm gan, HIV và một số bệnh lây truyền qua đường máu khác.
Được giải thích về quy trình lấy máu, các tai biến không mong muốn có thể xảy ra, các xét nghiệm sẽ thực hiện trước và sau khi hiến máu.
Được bảo đảm bí mật về kết quả khám lâm sàng, kết quả xét nghiệm; được tư vấn về các bất thường phát hiện khi khám sức khoẻ, hiến máu; được hướng dẫn cách chăm sóc sức khoẻ; được tư vấn về kết quả xét nghiệm bất thường theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Thông tư này.
Được chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu theo quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này. Được hỗ trợ chi phí chăm sóc, điều trị khi có các tai biến không mong muốn xảy ra trong và sau hiến máu. Kinh phí để hỗ trợ chăm sóc điều trị người hiến máu theo quy định tại Khoản này được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tôn vinh, khen thưởng và bảo đảm các quyền lợi khác về tinh thần, vật chất của người hiến máu theo quy định của pháp luật. Khoản 4, Điều 4 Thông tư số 05/2017/TT-BYT được sửa đổi bởi Khoản 2, Điều 1 Thông tư 20/2018/TT-BYT quy định về mức chi cho người hiến máu tình nguyện không lấy tiền như sau:
- Người hiến máu toàn phần tình nguyện có thể lựa chọn nhận quà tặng bằng hiện vật hoặc bằng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có giá trị tối thiểu như sau:
CBVC tham gia hiến máu:
+ 350 ml: 200.000 đồng/lượt/người
+ 450 ml trở lên: 250.000 đồng/lượt/người
Chi hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện: Mức chi bình quân tối đa là 50.000 đồng/người/lần hiến máu.
Một số lưu ý khi hiến máu
Trong khi hiến máu:
- Nghỉ ngơi trước khi làm thủ tục hiến máu.
- Thư giãn, tránh căng thẳng, có thể nghe nhạc nhẹ để giảm bớt lo lắng (đối với những người sợ kim tiêm). Hoặc trò chuyện với những người xung quanh để nhận được những kinh nghiệm và chia sẻ từ mọi người.
- Không nên nhìn vào mũi kim khi lấy máu, thả lỏng cơ thể và phối hợp với nhân viên y tế.
- Trong thời gian lấy máu nếu thấy bất cứ biểu hiện như: chóng mặt, buồn nôn, vã mồ hôi, đau buốt ở vị trí kim tiêm thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Sau khi hiến máu:
- Chỉ được đứng dậy và rời khỏi vị trí khi được sự đồng ý của nhân viên y tế.
- Nếu có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn nhẹ nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ, có thể uống một chút nước ấm có pha đường hoặc uống trà gừng.
- Ấn nhẹ vào miếng bông bịt tại vị trí mũi kim lấy máu, đợi khi máu không chảy ra thì bỏ miếng bông đi, không nên bỏ miếng bông quá sớm sẽ gây chảy máu. Nếu thấy chảy máu thì ngay lập tức ấn miếng bông xuống bịt chặt vị trí lấy máu, xin thêm miếng bông khô để thay, tuyệt đối không sử dụng bông ướt.
- Chỉ giữ nhẹ miếng bông và ấn xuống không nên day mạnh miếng bông dễ làm bầm tím quanh vị trí lấy máu.
- Nếu xuất hiện bầm tím thì không nên lo lắng, lấy đá chườm nhẹ trên vết bầm. Sau hai ngày vết bầm tím sẽ nhạt dần, chườm ấm tại vị trí này. Sau khoảng 1 tuần vết bầm tím sẽ hết.
- Cần ăn uống và nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục dần.
- Sau hiến máu 2 – 3 ngày không nên tham gia các môn thể thao đòi hỏi thể lực mạnh, các hoạt động vận động nhiều mất sức như: đá bóng, chạy bộ, leo núi,…
- Không uống rượu bia và các chất kích thích.
- Hạn chế thức khuya.
- Ăn uống đầy đủ và tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho máu như: thịt bò, gan, trứng, sữa, quả bơ, măng cụt, cà rốt, cà chua,….
- Nếu cần thiết có thể sử dụng các sản phẩm chứa Sắt và Acid folic, Vitamin B12... rất tốt cho quá trình tạo máu.
- Nên ăn uống và sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý.
Hiến máu nhân đạo thể hiện tinh thần nhân ái, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đó là hành động vì cộng đồng để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn. Mỗi cá nhân, tập thể hãy hăng hái hưởng ứng hiến máu tình nguyện để cứu người bệnh, với nghĩa cử cao đẹp “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”.