Huyện Cư Jút chung tay xây dựng nông thôn mới
Huyện Cư Jút cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông khoảng 110 km về phía Đông Bắc; có tổng diện tích tự nhiên 72.333 ha ; dân số 98.260 người. Huyện có 08 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 xã và 01 thị trấn, với 124 thôn, buôn, bon, tổ dân phố; có 25 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 49,3%.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, có tác động trực tiếp đến lợi ích mọi mặt đời sống của xã hội, được các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, hưởng ứng. Trong những năm qua, Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tập trung xây dựng nông thôn mới và đã trở thành phong trào thi đua “Cư Jút chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, tạo được sức lan tỏa rộng khắp trong toàn huyện. Từ đó, đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của các tầng lớp Nhân dân từ việc trông chờ, ỷ lại đầu tư của Nhà nước trở thành chủ thể thực hiện nên đã huy động được nguồn lực đóng góp từ Nhân dân với nhiều hình thức: tiền mặt, hiến đất, ngày công, cây cối, hoa màu và nguyên vật liệu,… để xây dựng nông thôn mới. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở năng động, sáng tạo với nhiều cách làm mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn và có hiệu quả. Vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã được phát huy, tạo được nhiều chuyển biến mới trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả trong tổ chức thực hiện giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị đã tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới. Nhiều chương trình, dự án lồng ghép đầu tư vào khu vực nông thôn (về thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, các thiết chế văn hóa, chợ nông thôn và xây dựng nhà ở dân cư…) phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần hoàn thành nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như việc xây dựng nông thôn mới dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, trong khi sản xuất nông nghiệp một số nơi trên địa bàn huyện có điểm xuất phát thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro; việc chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm; chưa phát huy tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Địa bàn các xã rộng, dân cư một số khu vực không tập trung, đường giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng nhiều nên nguồn lực cần cho đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Trong những năm qua, biến đối khí hậu gây thiên tai, hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất của người dân dẫn đến giảm thu nhập, giá cả nông sản không ổn định, dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc gia cầm, giá vật tư nông nghiệp ngày càng tăng ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp; người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm 49,3 %, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên việc huy động các nguồn lực còn hạn chế, trong khi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ không nhiều so với nhu cầu thực tế. Kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ ở cơ sở chưa đáp ứng được với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới./.