Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Quyết định 318/QĐ-TTg, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 08/3/2022.
Các xã nông thôn ở Đăk Nông ngày càng khởi sắc
Theo đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới có 5 nhóm với tổng 19 tiêu chí. Cụ thể, nhóm Quy hoạch có 01 tiêu chí (1- Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (2- Giao thông; 3-Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4-Điện; 5-Trường học; 6-Cơ sở vật chất văn hóa; 7-Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8-Thông tin và truyền thông; 9-Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 04 tiêu chí (10-Thu nhập; 11-Nghèo đa chiều; 12-Lao động; 13-Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn); nhóm Văn hóa-Xã hội-Môi trường có 6 tiêu chí (14-Giáo dục và Đào tạo; 15-Y tế; 16-Văn hóa; 17-Môi trường và an toàn thực phẩm; 18-Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19-Quốc phòng và an ninh).
Với mỗi tiêu chí, Quyết định quy định cụ thể chỉ tiêu chung cũng như chỉ tiêu theo từng vùng, bao gồm Trung du miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; BắcTrung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiêu chí về Y tế là tiêu chí số 15 và thuộc nhóm Văn hóa-Xã hội-Môi trường, có 04 nội dung như sau: Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ); xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi); tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử. Đối với khu vực Tây Nguyên, Chính phủ quy định, để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, xã phải có tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (áp dụng đạt cho cả nam và nữ) ≥ 90%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) ≤ 26,5%; tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử ≥ 50%.
Đối với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Quyết định 318/QĐ-TTg cũng quy định cụ thể, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 phải đáp ứng 2 yêu cầu: Là xã đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025) và đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, gồm: 1-Quy hoạch; 2-Giao thông; 3-Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 4-Điện; 5-Giáo dục; 6-Văn hóa; 7-Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8-Thông tin và Truyền thông; 9-Nhà ở dân cư; 10-Thu nhập; 11- Nghèo đa chiều; 12-Lao động; 13-Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 14-Y tế; 15-Hành chính công; 16-Tiếp cận pháp luật; 17- Môi trường; 18-Chất lượng môi trường sống; 19-Quốc phòng và An ninh.
Đối với xã nông thôn mới nâng cao, lĩnh vực y tế được quy định tại tiêu chí số 14 và bao gồm các nội dung: tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 95%; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe ≥ 90%; tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa ≥ 40%; tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử ≥ 70%.
Giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng thành công 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Riêng năm 2023, UBND tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, trong đó 6 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (Long Sơn, Đăk Gằn - Đăk Mil; Đăk Ndrung, Đăk Mol - Đăk Song; Nâm N’đir, Nam Xuân – Krông Nô) và 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao (Nam Dong, Tâm Thắng - Cư Jut; Đức Minh, Thuận An – Đăk Mil; Nhân Cơ – Đăk R’lấp). Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại hội nghị đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng NTM năm 2023, kết quả giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình Nông thôn mới đến tháng 10/2023 trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức vào ngày 23/10 vừa qua cho thấy, khả năng có 02 xã không hoàn thành theo kế hoạch đạt chuẩn NTM là Long Sơn (Đắk Mil) và Đắk N’Drung (Đắk Song); 1 xã không hoàn thành đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định là Nam Dong (Cư Jút). Ngoài ra, kết quả giải ngân nguồn vốn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2023 của tỉnh đến ngày 20/10/2023 là hơn 200 tỷ đồng, đạt 39,9% và chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Đối với ngành Y tế, năm 2023, UBND tỉnh giao Sở Y tế triển khai các hoạt động tăng cường chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở đảm bảo chăm sóc sức khoẻ toàn dân; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến; đảm bảo hiệu quả phòng chống bệnh lây nhiễm, truyền nhiễm; cải thiện sức khoẻ, dinh dưỡng của phụ nữ và trẻ em; nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 2.800.000.000 đồng. Hiện các hoạt động đang được toàn ngành khắc phục khó khăn, đẩy mạnh triển khai nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.