A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác Y tế năm 2022 đạt được nhiều kết quả quan trọng

Trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của nhân dân cả nước, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Hội nghị giao ban trực tuyến công tác y tế năm 2022 và định hướng năm 2023

Trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022 của Chính phủ, ngành Y tế được giao 03 chỉ tiêu, đều vượt chỉ tiêu được giao. Cụ thể, chỉ tiêu số bác sĩ trên 10.000 dân là 9,4 bác sĩ – thực hiện đạt 11,5 bác sĩ; chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân là 29,5 giường bệnh – thực hiện đạt 31 giường bệnh; tỷ lệ tham gia BHYT là 92% dân số - thực hiện đạt 92,03% dân số. Trong các chỉ tiêu cụ thể cho ngành, lĩnh vực tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022 của Chính Phủ, Bộ Y tế được giao 16 chỉ tiêu và đã đạt 13/16 chỉ tiêu. Trong năm 2022, Bộ Y tế cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid -19 và nhiều văn bản đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện như Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi, Luật dân số, triển khai xây dựng Luật phòng bệnh, Luật trang thiết bị y tế…

Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, tập trung rà soát,  kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Thống nhất triển khai mô hình Trung tâm Y tế huyện đa chức năng. Trong đó, có 59/63 tỉnh, thành phố đã tiến hành sáp nhập Trung tâm Dân số - KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện. Có 19 tỉnh, thành phố vẫn duy trì 131 bệnh viện đa khoa tuyến huyện (hạng 2) mà không sáp nhập vào Trung tâm Y tế. Đối với tuyến xã, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố quy định Trạm Y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị thuộc Trung tâm y tế huyện.

Về công tác phòng, chống dịch Covid -19, ngành Y tế đã xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, dịch Covid -19 bùng phát mạnh, trên diện rộng. Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc Covid -19, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng số ca tử vong do dịch Covid -19 là 43.186 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng ca nhiễm, xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ. Công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19 là biện pháp chiến lược quan trọng, quyết định trong phòng, chống dịch Covid -19. Tính từ đầu dịch Covid -19, Việt Nam đã tiếp nhận gần 262 triệu liều vắc xin. Trong đó, gần 105 triệu liều vắc xin do Chính phủ thực hiện mua sắm và gần 157 triệu liều từ các nguồn viện trợ. Toàn quốc đã tiêm được 265,4 triệu liều vắc xin phòng Covid -19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 80,5%; tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao, đạt 87%. Nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 đạt 92,4% và mũi 2 đạt 74,1%.

Trong năm 2022, các bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021. Cả nước không ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A như cúm A (H5N1), tả, dại. Bên cạnh đó, vẫn có một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng như sốt xuất huyết (tăng 4,9 lần), tay chân miệng có số ca mắc tăng 63,8%. Việt Nam đã ghi nhận 02 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh, các trường hợp này đã được phát hiện ngay sau khi nhập cảnh và những người tiếp xúc đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Công tác khám, chữa bệnh dần phục hồi sau hơn 2 năm phòng chống dịch Covid -19. Năm 2022, số lượt khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc đạt 153,7 triệu lượt. Trong đó, tuyến cơ sở là 116,8 triệu lượt, chiếm 76% tổng số khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, y học cổ truyền, dân số, an toàn thực phẩm, quản lý môi trường y tế, đào tạo phát triển nhận lực y tế, chuyển đổi số y tế…tiếp tục được chú trọng. Các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, truyền thông được tăng cường, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm kêu gọi hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác y tế vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, đặc biệt là công tác mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Công nghiệp sản xuất trang thiết bị trong nước mới chỉ sản xuất được một số trang thiết bị y tế thông dụng. Hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện tuyến huyện và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã quá tải, xuống cấp. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ xuất hiện tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc. Vắc xin cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, giá vắc xin chưa được điều chỉnh trong nhiều năm. Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đảm bảo được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu.

Đánh giá về công tác y tế năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong 3 năm qua, cả nước bước vào cuộc chiến phòng chống dịch Covid -19 với diễn biến phức tạp, thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư, vắc xin nhưng đội ngũ cán bộ y, bác sĩ tuyến đầu ngày đêm chống lại dịch bệnh Covid -19 trên toàn quốc. Những nỗ lực đó đã mang lại thành quả quan trọng góp phần giúp đất nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 và góp phần phục hồi kinh tế, xã hội.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành y tế cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất ngang tầm với nhiệm vụ hiện nay. Thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế. Tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển ngành y bền vững, xây dựng sửa đổi các luật liên quan. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nhằm tháo gỡ các vướng mắc về đấu thầu thuốc, chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế… Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế. Kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh Covid - 19, tránh để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản đối phó với các loại dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, an toàn thực phẩm. Triển khai đánh giá việc tự chủ của các cơ sở y tế công lập, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh. Củng cố, hoàn thiện, phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với một số dự án chưa hoàn thiện. Triển khai chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website