A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông nỗ lực triển khai thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia

Trong 3 tháng đầu năm, việc thực hiện 03 chương trình mục tiêu trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực, tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được đẩy mạnh so với thời gian trước; thái độ, tinh thần, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có chuyển biến rõ rệt. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các đơn vị, địa phương về các kết quả đạt được trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện 03 chương trình mục tiêu vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để như: Hiện nay vẫn còn 53.53 tỷ vốn ngân sách trung ương chưa được phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị; một số đơn vị dù tỷ lệ giải ngân đạt khá nhưng số còn lại chưa giải ngân lớn; một số địa phương vẫn chưa bố trí đủ vốn đối ứng theo quy định; một số đơn vị được giao nhiệm vụ dự toán chưa nắm rõ các quy định, hướng dẫn từ các văn bản của Trung ương và địa phương nên còn nhiều lúng túng, chậm triển khai thực hiện.

Theo đó, tại cuộc họp về tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đăk Nông diễn ra ngày 10/4 vừa qua, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. UBND tỉnh yêu cầu tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xác định việc thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung triển khai thực hiện trong năm 2024. Các đơn vị, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xử lý linh hoạt, hài hòa những vướng mắc phát sinh; kịp thời tham mưu, báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của các cơ quan trung ương đối với những nội dung vượt thẩm quyền để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, góp phần tạo sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành cấp tỉnh được giao chủ trì các chương trình mục tiêu và chủ trì dự án thành phần thường xuyên theo dõi, cập nhật, kiểm tra thực tế tình hình triển khai để có đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương qua đó kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn vướng mắc phát sinh, không để tình trạng chờ báo cáo, thống kê mới nắm bắt, xử lý. Định kỳ trước ngày 15 và 30 hàng tháng, Ban Dân tộc, Sở Lao động – Thương binh xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu  quốc gia về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh, trong đó tập trung báo cáo tình hình giải ngân vốn, bố trí vốn đối ứng, những khó khăn, vướng mắc phát sinh…

UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát, đề xuất phương án điều chuyển vốn theo quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời chủ động các điều kiện cần thiết để có thể tổ chức thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề liên quan. Các cơ quan quản lý chuyên ngành rà soát kiến nghị điều chỉnh dự toán của các huyện, thành phố từ các lĩnh vực không có đối tượng thực hiện, không có khả năng thực hiện sang nội dung, dự án khác, đảm bảo có nguồn vốn để thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao thuộc chức năng, lĩnh vực phụ trách. Đối với vấn đề này, được biết, hiện ngành Y tế đã xin điều chuyển 119.717.137 đồng thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 sang năm 2024 tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung liên quan lĩnh vực y tế thuộc các thành phần đã được phê duyệt. Kế hoạch hoạt động 03 chương trình mục tiêu năm 2024 của ngành Y tế hiện đang trong quá trình thẩm định, đánh giá và hoàn thiện để đưa vào triển khai thực hiện. Theo đó, năm 2024, chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngành Y tế được giao tổng 12.912 triệu đồng; CTMT xây dựng nông thôn mới, toàn ngành được phân bổ tổng kinh phí 2.370 triệu đồng; và CTMT Giảm nghèo bền vững có tổng kinh phí toàn ngành được giao gần 8 tỷ. Trong thời gian sớm nhất sắp tới, khi kế hoạch hoạt động được phê duyệt, các bộ phận và đơn vị chức năng trong toàn ngành sẽ dồn tổng lực triển khai thực hiện để sớm hoàn thành mục tiêu các cấp ngành chức năng giao phó.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website