A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khó khăn vướng mắc trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đăk Nông

Trong thời gian qua, tỉnh Đăk Nông cũng như các địa phương khác đã tích cực, chủ động trong việc điều hành để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, đối với việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia gồm có Chương trình mục tiêu quốc gia về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngay sau khi được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh Đăk Nông đã xác định nhiệm vụ và triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp nhằm bàn bạc các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. 

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và phân công đơn vị đầu mối thuộc Sở và trực thuộc Sở Y tế chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung, các tiểu dự án, các dự án liên quan đến ngành Y tế. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để thực hiện các chỉ tiêu liên quan đến công tác y tế, đảm bảo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Sở Y tế cũng đã ban hành các nội dung hướng dẫn liên quan. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở Y tế giao các đơn vị trực thuộc triển khai các nội dung tiểu dự án 2 thuộc dự án 3.

Trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành Y tế đã triển khai chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời cho bà mẹ và trẻ nhỏ; lồng ghép chăm sóc trước, trong và sau sinh nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực cho người dân tộc thiểu số; mua sắm sản phẩm dinh dưỡng, cấp hỗ trợ cho trẻ dưới 2 tuổi để cải thiện sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ tại các xã thuộc khu vực III trên địa bàn tỉnh. bên cạnh đó, ngành y tế đã triển khai 01 đợt hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến huyện, xã để thực hiện các can thiệp về chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cộng tác viên dân số và tuyên truyền vận động thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em.

Trong thời gian qua, các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đã triển khai và mang lại một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, trong điều kiện chung của toàn tỉnh, việc triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Dự án 7 – Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số. Nhiều văn bản, tài liệu liên quan được các cơ quan chức năng ban hành, quy định việc triển khai thực hiện các hoạt động dự án nhưng chưa có tập huấn, hướng dẫn cụ thể. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị phải vừa làm vừa nghiên cứu áp dụng nên còn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đảm bảo. Mặt khác, nguồn kinh phí được phân bổ muộn ở các tuyến cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch đề ra. Trên cơ sở hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Sở Y tế là đầu mối xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Dự án 7 trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hoạt động của tuyến huyện được UBND tỉnh phân bổ trực tiếp cho UBND các huyện/thành phố và UBND các huyện/thành phố giao trực tiếp cho Phòng Y tế điều phối nên khi triển khai, chỉ đạo hoạt động chuyên môn chưa thống nhất, thiếu sự đồng bộ. Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch còn nhiều bất cập, một số địa phương không tập trung vào các nội dung và mục tiêu hoạt động do Sở Y tế và Bộ Y tế đề ra.

Đối với tiểu dự án 2 của dự án 3 về công tác Dược liệu, Sở Y tế được UBND tỉnh phân bổ kinh phí để triển khai về đầu tư và hỗ trợ phát triển vùng trồng Dược liệu quý. Tuy nhiên, căn cứ nội dung Thông tư 10/2022/TT-BYT ngày 22/09/2022 của Bộ Y tế thì không hướng dẫn cụ thể nhiệm vụ của Sở Y tế, do đó, Sở Y tế chưa thể xây dựng kế hoạch thực hiện để giải ngân nguồn kinh phí nêu trên. Đồng thời, thông tư số 10/2022/TT-BYT hướng dẫn các nguồn kinh phí dùng để hỗ trợ các dự án Dược liệu quý sau khi các dự án được phê duyệt, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Đăk Nông vẫn chưa có Dự án dược liệu được phê duyệt. Do đó, Sở Y tế không thể dử dụng nguồn kinh phí trên vào mục đích khác và đang đề nghị gửi Sở Tài chính trả lại nguồn vốn. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bên vững theo kế hoạch của Bộ Y tế triển khai trong năm 2022 tại các địa bàn xã vùng III, tuy nhiên, hoạt động này không được giao kinh phí thực hiện. Các hoạt động can thiệp trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng không được triển khai.

Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng gặp một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử chưa được liên thông, đồng bộ vì hiện nay các trạm Y tế đang sử dụng 4 phần mềm trong công tác quản lý y tế với 4 nhà cung cấp khác nhau. Việc cập nhật thường xuyên, đầy đủ các phần thông tin khám chữa bệnh vào hệ thống hồ sơ quản lý còn thấp. Hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân cập nhật chưa được đầy đủ, chính xác, có sự chênh lệch giữa dân số trên phần mềm và dân số quản lý thực tế tại Trạm Y tế. Đối với công tác khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa còn thấp. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng thể chiều cao do địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều dẫn đến kiến thức, thực hành dinh dưỡng chưa hợp lý còn phổ biến ở các bà mẹ và các thành viên trong gia đình, đặc biệt ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nguồn kinh phí thường xuyên được phân bổ cho hoạt động này còn hạn chế và không duy trì, tác động toàn bộ đến nhóm trẻ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng nên ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng đạt tiêu chí.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, Ths.BS Huỳnh Thanh Huynh cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ đề xuất phương án tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể về các chỉ tiêu cụ thể hoạt động các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế sẽ xây dựng kế hoạch giao công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tránh trùng lặp các đối tượng khi triển khai các chương trình. Đồng thời, đề nghị trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ chuyên môn khi UBND hoặc Trung tâm Y tế các huyện/thành phố có yêu cầu. Liên quan đến chương trình nông thôn mới đang vướng mắc về vấn đề kinh phí, để đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu, đề nghị UBND các huyện/thành phố chỉ đạo phòng Y tế và Trung tâm Y tế phối hợp thực hiện các Chương trình liên quan./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website