A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhiệm vụ của ngành y tế tại Đề án 06

Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 (gọi tắt là Đề án 06) bao gồm 13 nhiệm vụ chung; 63 nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, Ngành với 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu. Đề án 06 có quy mô lớn, phạm vi rộng, với các lợi ích thiết thực, hiệu quả lâu dài. Đề án hướng đến các mục tiêu chung mang tính đột phá chiến lược, hướng đến lợi ích của quốc gia, của người dân và của doanh nghiệp. Trong đó lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là nguồn lực chủ yếu.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt – một trong những nội dung thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Đề án 06 bao gồm 05 nhóm tiện ích và 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, ngành y tế được phân công 17 nhiệm vụ.

Thứ nhất, Ngành y tế nhanh chóng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06 theo đúng yêu cầu hướng dẫn tại Công văn số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin truyền thông, nhằm đáp ứng yêu cầu số hóa và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Thứ hai, thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế-xã hội.

Thứ ba, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành mình.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2021; gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình thực hiện TTHC.

Thứ năm, tập trung rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các DVC trực tuyến đã cung cấp trên Cổng DVC quốc gia; đồng thời tái cấu trúc các TTHC còn lại để tích hợp, cung cấp dịch vụ trên Cổng DVC theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm; chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng thông tin, dữ liệu đã được số hóa.

Thứ sáu, chỉ đạo các cơ sở y tế khẩn trương thực hiện số hóa, cung cấp, cập nhật dữ liệu thông tin y tế vào cơ sở dữ liệu ngành y tế để kết nối với Phần mềm DVC liên thông phục vụ triển khai 02 nhóm TTHC liên thông. Trước mắt, kết nối dữ liệu Giấy chứng sinh điện tử, Giấy báo tử điện tử qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam kết nối với hệ thống Phần mềm DVC liên thông.

Thứ bảy, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc số hóa các giấy tờ, kết quả TTHC để thực hiện DVC trực tuyến; kết nối, cung cấp dữ liệu khám sức khỏe vào cơ sở dữ liệu của Bộ để chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành liên quan. Trước mắt thực hiện kết nối, chia sẻ với Bộ Giao thông vận tải qua hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thực hiện DVC trực tuyến cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe; kết nối, chia sẻ dữ liệu về Giấy chứng sinh hoặc thực hiện “Chứng sinh điện tử” với cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cổng DVC quốc gia, các địa phương để thực hiện thủ tục “Đăng ký khai sinh”.

Thứ tám, đẩy mạnh cung cấp, thanh toán trực tuyến trong khám, chữa bệnh.

Thứ chín, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, ban hành Quy định về nhóm thông tin cơ bản về y tế để đồng bộ giữa HSSK điện tử cá nhân với CSDLQG về Bảo hiểm; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về dân cư với CSDL Sổ Sức khỏe điện tử; sớm chia sẻ một số trường thông tin cơ bản của HSSK điện tử hiển thị trên ứng dụng VNeID.

Mười, chỉ đạo các cơ sở y tế cập nhật dữ liệu nhóm thông tin cơ bản về y tế vào CSDLQG về bảo hiểm theo quy định.

Mười một, tổ chức thống kê, rà soát, cập nhật thông tin, dữ liệu về y sĩ, bác sĩ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế,... vào cơ sở dữ liệu của ngành y tế, kết nối, xác thực dữ liệu y tế với CSDLQG về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Mười hai, đẩy mạnh hình thành kho dữ liệu HSSK tại địa phương theo Quyết định số 2955/QĐ-BYT ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Bộ Y tế.

          Mười ba, khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền có liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy hoặc giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú khi thực hiện TTHC, DVC; bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu từ CSDLQG về dân cư và các CSDL khác, thực hiện đúng các quy định tại Luật Cư trú và Nghị định 104/2022/NĐ-CP.

Mười bốn, tiếp tục thực hiện rà soát, đối chiếu, cập nhật, làm sạch dữ liệu tiêm chủng COVID-19 với CSDLQG về dân cư, bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật.

Mười lăm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm bảo mật, an ninh, an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số.

Mười sáu, bố trí kinh phí, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.

Mười bảy, tăng cường truyên truyền đến người dân về lợi ích thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để thúc đẩy việc sử dụng DVC trực tuyến trên các Cổng DVC quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của bộ, địa phương./.


Tác giả: Thương Thương

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website