A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới năm 2024

Thalassemia (hay còn gọi Bệnh tan máu bẩm sinh) là một bệnh di truyền lặn, không phụ thuộc vào giới tính. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng, làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 13 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20-40%. Người bị bệnh và mang gene bệnh có ở tất cả các tỉnh, thành phố, dân tộc. Hiện nay, có hơn 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời. Người mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở nước ta chủ yếu được điều trị tại các bệnh viện: Nhi, huyết học truyền máu, đa khoa các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bệnh tan máu bẩm sinh là bệnh chưa thể chữa khỏi, ước tính mỗi năm Việt Nam cần hàng ngàn tỷ đồng và hàng triệu đơn vị máu an toàn để điều trị tối thiểu cho tất cả các bệnh nhân mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Hiện nay, số lượng bệnh nhân tan máu bẩm sinh đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội. Để giảm thiểu gánh nặng điều trị và chăm sóc người bệnh và có thể phòng bệnh hiệu quả bằng các biện pháp như tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và tầm soát sơ sinh; chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ, nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đẩy mạnh công tác phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh, cần chung tay của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Đối với lĩnh vực Dân số và Phát triển, truyền thông, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn.

Ngày 29/5/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2235/QĐBYT phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030, trong đó yêu cầu tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện ngày Thalassemia thế giới (8/5). Các hoạt động này góp phần đáng kể trong việc phòng bệnh, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tan máu bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số. Năm nay, hưởng ứng ngày Thalassemia Thế giới, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông.

Trên cơ sở những nội dung truyền thông được cung cấp về bệnh tan máu bẩm sinh nói riêng cũng như tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh nói chung, đề nghị các đơn vị tổ chức tuyên truyền thông điệp ngày Thalassemia Thế giới 08/5/2024 với Chủ đề: “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”. Một số hoạt động truyền thông được khuyến nghị đẩy mạnh như treo băng rôn, khẩu hiệu về thông điệp Ngày Thalassemia Thế giới năm 2024 tại đơn vị và các trục đường chính, khu đông dân cư trên địa bàn. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Nông, Trang thông tin điện tử Sở Y tế, các đài phát thanh huyện, thành phố, đài truyền thanh xã, phường, thị trấn phát sóng, phát thanh các tin bài, phóng sự về các nội dung truyền thông lồng ghép và cung ứng dịch vụ phù hợp với điều kiện, hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới.

Truyền tải nội dung và thông điệp Ngày Thalassemia Thế giới năm 2024 cũng như lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên các trang thông tin điện tử có nhiều người truy cập, tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, nơi nó nhiều vị thành niên, thanh niên, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ưa thích và quan tâm. Triển khai tốt các Đề án nâng cao chất lượng dân số như Đề án Tư vấn và Khám sức khỏe tiền hôn nhân, Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, trong đó cần tập trung tuyên truyền lợi ích của việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bênh, tật trước sinh và sau sinh đối với thai nhi cho các bà mẹ đang mang thai và sinh con có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hạn chế số trẻ em sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, tàn tật... Cấp phát tài liệu truyền thông về sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho  tuyến cơ sở.

Đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân của gia đình, cộng đồng về tư vấn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Việc thực hiện tư vấn và tầm soát trước sinh và tầm soát sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của gia đình mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi và sự phồn vinh của xã hội hướng tới một tương lai hạn chế đến mức thấp nhất người khuyết tật do các bệnh bẩm sinh gây ra. Ngoài ra, với việc tăng cường triển khai cao điểm các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia năm 2024 còn giúp nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam nữ thanh niên sắp kết hôn…về tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; nguyên nhân, hệ lụy của bệnh tan máu bẩm sinh đối với cộng đồng và xã hội; tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi, góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt về bệnh tan máu bẩm sinh, góp phần làm giảm gánh nặng về kinh tế và tinh thần của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và nâng cao chất lượng dân số.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website