Tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Ngày 09/12/2024, Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 201-KH/TU về tuyên truyền một số nội dung trọng tâm của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024.
Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội để triển khai hiệu quả việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW), thực hiện thắng lợi chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới…
Về nội dung tuyên truyền gồm hai phần chính: Thứ nhất, về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Tuyên truyền khẳng định việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời nhấn mạnh mục đích của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; nêu bật yêu cầu, nguyên tắc của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở.
Làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai: (1) Xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. (2) Chủ động rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật bảo đảm đồng bộ; rà soát sửa đổi, bổ sung các chủ trương, quy định của Đảng cho thống nhất; điều chỉnh kịp thời các quy định của pháp luật, các quy trình, quy chế trong công tác trên từng lĩnh vực. (3) Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy.
Đồng thời đấu tranh, phản bác kịp thời với những thông tin giả, tin xấu độc ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương và quá trình triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phê phán mạnh mẽ tư tưởng chủ quan, cục bộ, bảo thủ, thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt gây chậm trễ; biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Thứ hai, về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia: Cần tập trung quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, việc tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân, trong đó tập trung: Tuyên truyền khẳng định việc phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia là vấn đề quan trọng phải đi trước một bước để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, năm 2045. Phân tích, nêu bật tính ưu việt của điện hạt nhân so với các nguồn năng lượng khác (điện than, thủy điện, điện mặt trời, gió…)…và những lợi thế của việc phát triển điện hạt nhân đối với sự phát triển đất nước. Khẳng định phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo là xu thế của nhiều quốc gia hiện nay; phù hợp với các cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP28) mà Việt Nam đã ký kết.
Phân tích, làm rõ thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức trong quá trình tái khởi động chương trình điện hạt nhân; trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan. Tuyên truyền kinh nghiệm của quốc tế về phát triển điện hạt nhân; phản ánh ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học về đề xuất phát triển điện hạt nhân ở nước ta trong thời gian tới.