A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

THÔNG CÁO BÁO CHÍ Cung cấp thông tin về Hội thảo với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững”

Chiều ngày 26/12/2024, tại hội trường 200 chỗ, Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững”.

1. Chủ trì Hội thảo gồm: Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thành viên Tổ Văn hóa – Xã hội, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh; Đồng chí Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam; Đồng chí Nghiêm Đình Hiếu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh.

Về phía đại biểu Trung Ương, có các đồng chí: Bà Lê Thị Hồng Vân - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao; Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Thành viên Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Ông Trịnh Hải Sơn – Viện trưởng Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam. Bà Đỗ Thị Yến Ngọc – Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản – Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về phía tỉnh Đắk Nông có các đồng chí: Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, PCT UBND tỉnh; Đồng chí Nguyễn Hữu Khánh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thành viên Tổ Văn hóa – Xã hội, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh; Đồng chí Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Tiểu ban chuyên môn về Công viên địa chất Việt Nam; Đồng chí Nghiêm Đình Hiếu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể tỉnh Đắk Nông; các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các công ty du lịch lữ hành và các đối tác của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.

Dự hội thảo có khoảng 150 khách mời, đại biểu.

2. Phát biểu khai mạc, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định: “Sự hiện diện của quý đại biểu hôm nay là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, sự cam kết và nỗ lực chung tay hướng tới các giá trị bền vững, không chỉ cho tỉnh Đắk Nông mà còn cho cả nước và cộng đồng quốc tế.”

Đồng chí cũng nhấn mạnh rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO chính là hình mẫu điển hình để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, kết nối giữa bảo tồn di sản thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững và nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng. Hội thảo đặt ra ba mục tiêu chính:

- Thảo luận mối quan hệ giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và các mục tiêu phát triển bền vững.

- Đề xuất các sáng kiến thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ giá trị văn hóa đặc trưng.

- Mở rộng hợp tác với các cơ sở giáo dục và nghiên cứu để khai thác tiềm năng của Công viên địa chất như một lớp học ngoài trời, phục vụ giáo dục và nâng cao ý thức bảo tồn.

Kết thúc bài phát biểu, đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến và giải pháp từ hội thảo trong việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông thành mô hình tiêu biểu về cân bằng giữa bảo tồn và phát triển bền vững.

3. Các bài tham luận tại Hội thảo (Có các bài tham luận kèm theo):

3.1. Mở đầu chương trình Hội thảo, ThS. Đỗ Thị Yến Ngọc – Giám đốc Trung tâm Karst và Di sản địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, đã trình bày tham luận đầu tiên với chủ đề: “Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO với các mục tiêu phát triển bền vững”.

Tham luận nhấn mạnh vai trò quan trọng của Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO trong việc bảo tồn di sản địa chất, văn hóa và đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Bài tham luận tập trung làm rõ sự gắn kết giữa các công viên địa chất với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đặc biệt ở các lĩnh vực như giáo dục cộng đồng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.

ThS. Đỗ Thị Yến Ngọc khẳng định, Công viên Địa chất toàn cầu không chỉ là biểu tượng của sự bảo tồn mà còn là động lực thúc đẩy các địa phương phát triển toàn diện, cân bằng giữa thiên nhiên và con người, từ đó đóng góp tích cực vào việc thực hiện các cam kết quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong mạng lưới di sản toàn cầu.

3.2. Ths. Nguyễn Khắc Anh - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, đã trình bày về một số giải pháp phát triển du lịch canh nông, du lịch nông trại gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đăk Nông. Ông nhấn mạnh tiềm năng to lớn của địa phương với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng 44 mô hình du lịch nông nghiệp, từ vườn cây ăn trái, nông trại hữu cơ đến trải nghiệm "một ngày làm nông dân", thu hút sự quan tâm của du khách, đặc biệt là quốc tế. Tuy nhiên, các mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn như hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm chưa phong phú, và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để khắc phục, các giải pháp được đề xuất bao gồm: nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương; xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo của Đắk Nông; ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển hạ tầng và thúc đẩy kết nối liên tỉnh, quốc tế; đa dạng hóa sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, và phát triển thương mại điện tử để mở rộng đầu ra cho nông sản. Những giải pháp này hướng đến xây dựng một ngành du lịch canh nông bền vững, đóng góp tích cực vào kinh tế và văn hóa của địa phương.

3.3. Bà Hoàng Thị Huệ - PGĐ BQL CVĐC Non nước Cao Bằng đã mang đến một góc nhìn sâu sắc về hướng đi bền vững trong việc kết hợp bảo tồn di sản và phát triển kinh tế tại địa phương. Với trọng tâm là bảo vệ giá trị làng nghề truyền thống, bài tham luận nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong việc tái định hình di sản để đáp ứng nhu cầu du lịch hiện đại, điển hình là làng giấy bản Dìa Trên, làng hương Phja Thắp,.... Các hoạt động như tổ chức tập huấn, tư vấn trực tiếp, và triển khai mô hình sản xuất cải tiến đã tạo động lực mạnh mẽ, giúp người dân nâng cao kỹ thuật, cải thiện thu nhập và gắn kết chặt chẽ hơn với những giá trị văn hóa bản địa.

Những đổi mới vượt bậc từ các làng nghề này không chỉ dừng lại ở việc làm sống dậy các sản phẩm thủ công mà còn đưa chúng lên một tầm cao mới, trở thành biểu tượng sáng tạo độc đáo. Các sản phẩm như giấy bản khổ lớn nhuộm màu tự nhiên hay hương thảo dược phục vụ thư giãn,… giờ đây không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn tạo sức hấp dẫn đối với khách quốc tế. Những kết quả này đã khẳng định sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, biến Non nước Cao Bằng thành một hình mẫu đầy cảm hứng, lan tỏa giá trị của di sản đến nhiều vùng đất khác.

3.4. Đồng chí Nguyễn Xuân Danh – PCT UBND huyện Krông Nô, đã trình bày tham luận về vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng và phát triển du lịch gắn với Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Huyện Krông Nô có vị trí nằm trong vùng lõi của công viên địa chất, sở hữu những tiềm năng độc đáo như hệ thống hang động núi lửa, di chỉ khảo cổ, và các đặc sản nông nghiệp chất lượng cao. Bên cạnh đó, sự đa dạng văn hóa của 24 dân tộc anh em cùng những lễ hội truyền thống phong phú đã tạo nên một bức tranh văn hóa đậm bản sắc, là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng và bền vững.

Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, từ quy hoạch đất đai phục vụ du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo tồn di sản đến việc chuyển đổi số trong quảng bá,... Các chương trình tập huấn, truyền thông sáng tạo cùng mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao nhận thức người dân và thu hút đầu tư hiệu quả. Đặc biệt, việc bảo tồn hệ thống hang động, phát triển các tuyến du lịch kết nối và khôi phục lễ hội truyền thống đã giúp Krông Nô trở thành hình mẫu tiêu biểu trong phát triển du lịch bền vững, đưa di sản địa chất trở thành động lực cho kinh tế và văn hóa địa phương.

3.5. Bà Lê Thị Hồng An – Giám đốc HTX Nâm Blang và nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC UNESCO Đắk Nông – đã chia sẻ về vai trò của đối tác trong phát triển du lịch cộng đồng, gắn với CVĐC UNESCO Đắk Nông. HTX Nâm Blang, với trụ sở tại xã Nâm Ndir, huyện Krông Nô, đã trở thành cầu nối liên kết các giá trị bền vững từ di sản địa chất, địa mạo, văn hóa đến nông nghiệp và du lịch. Đơn vị này hoạt động với phương châm “dựa vào cộng đồng, hướng về cộng đồng”, điều này không chỉ thúc đẩy sản xuất sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường mà còn chú trọng khai thác du lịch bền vững.

Bà nhấn mạnh, mô hình du lịch cộng đồng là yếu tố cốt lõi để bảo tồn di sản, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao nhận thức của người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai mô hình này đối mặt với nhiều thách thức, từ hạn chế nguồn lực đến thiếu quy hoạch đồng bộ. HTX Nâm Blang đề xuất các giải pháp như xây dựng mạng lưới đối tác bền vững, đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân, và phát triển sản phẩm địa phương đạt chuẩn. Tầm nhìn của HTX là khẳng định vai trò là đối tác tiêu biểu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững cho vùng lõi CVĐC UNESCO Đắk Nông.

3.6. TS. Lê Ngọc Thùy – Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM – đã trình bày tham luận về tiềm năng hợp tác giữa nhà trường và CVĐC UNESCO Đắk Nông trong công tác bảo tồn di sản. Ông khẳng định rằng CVĐC UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản thiên nhiên quý báu mà còn là một "phòng thí nghiệm tự nhiên khổng lồ", chứa đựng những giá trị khoa học, giáo dục và tiềm năng phát triển to lớn. Đây là môi trường lý tưởng để thế hệ trẻ học hỏi, nghiên cứu và tham gia vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản địa phương.

Với hơn 70 năm kinh nghiệm trong đào tạo và nghiên cứu, ông sẵn sàng đóng góp tích cực thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, đánh giá đa dạng sinh học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức các khóa tập huấn thực tiễn cho cán bộ và cộng đồng địa phương. Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác quốc tế và học hỏi từ các mô hình bảo tồn thành công ở nước ngoài cũng là trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn.

TS. Thùy nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn, như câu lạc bộ bảo vệ môi trường hay các tổ hợp tác sản xuất bền vững. Ông cũng kêu gọi sự liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư để triển khai những dự án bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái. Theo ông, với sự chung tay của các bên liên quan, CVĐC UNESCO Đắk Nông sẽ không chỉ bảo vệ được các giá trị di sản mà còn trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

4. Tiến sĩ Tôn Thị Ngọc Hạnh – TUV, PCT UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu bế mạc Hội thảo nhấn mạnh rằng: “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông không chỉ là một di sản địa chất quý giá mà còn là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn thiên nhiên, văn hóa và tăng cường ý thức cộng đồng. Các tham luận và thảo luận đã làm nổi bật vai trò của Công viên địa chất trong việc hiện thực hóa Chương trình nghị sự 2030 với các mục tiêu phát triển bền vững, từ bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu, đến phát triển du lịch bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân”.

Hội nghị kết thúc vào 17h30 chiều cùng ngày.

                                                                     HẾT THÔNG CÁO


Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website