A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân cần sự chung tay của toàn xã hội

Tháng 12/2020, Sở Y tế xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Phần mềm khám chữa bệnh tuyến xã (His) và Phần mềm hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh. Sau 02 năm thực hiện, kết quả chưa đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử hoàn thiện thấp; mức độ lưu thông kết nối thông tin dữ liệu giữa các tuyến chưa cao. Để đáp ứng mục tiêu kết nối thông tin, dữ liệu của các phần mềm quản lý khám chữa bệnh, từng bước hiện đại hóa ngành Y tế nhằm đáp ứng hơn nữa nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng cần có sự hỗ trợ, phối hợp triển khai nhiều giải pháp triệt để, đồng bộ của các ban, ngành chức năng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tính đến đầu năm 2023, toàn tình có 660.556/660.732 người dân được tạo lập tài khoản khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt tỷ lệ 99,97% tổng dân số tỉnh nhà. Trong đó, có 4/8 huyện khởi tạo hồ sơ đạt tỷ lệ 100% bao gồm Cư Jut, Đắk Mil, Gia Nghĩa và Tuy Đức; 4/8 huyện đạt từ 99,85% - 99,99%, gồm Đắk Glong (99,99%), Đắk R’Lấp (99,98%), K’rông Nô (99,97%) và Đắk Song (99,85%). Tuy nhiên, trong số 660.556 hồ sơ được khởi tạo, chỉ có 155.801 hồ sơ (23,6%) được hoàn thiện và cập nhật thông tin về lịch sử khám chữa bệnh hoặc tiêm chủng theo Quyết định 831/QĐ-BYT. Cụ thể, số hồ sơ có nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe chỉ đạt 7,5% (49.298/660.556 hồ sơ); hồ sơ có thông tin về tiêm chủng là 1.995/660.556, đạt tỷ lệ 0,3%; hồ sơ có thông tin về thăm khám lâm sàng đạt 12,5% (82.674/660.556 hồ sơ). Số bệnh nhân có tài khoản HSSK và đã khám đầy đủ các phần thông tin, nội dung nói trên chỉ đạt 0,01%, tương đương với 131/660.556 hồ sơ đã khởi tạo.

So với kế hoạch đề ra, việc tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân chưa đạt chỉ tiêu, nguyên nhân chính là chưa cập nhật hoàn chỉnh thông tin hồ sơ theo Quyết định 831/QĐ-BYT ngày 11/3/2017 của Bộ Y tế. Theo đó, Quyết định 831/QĐ-BYT quy định, một hồ sơ sức khỏe điện tử hoàn chỉnh phải đầy đủ 04 nhóm thông tin A,B,C,D (A- Thông tin hành chính, về tên tuổi, nơi ở…; B- Nhóm thông tin tiền sử và các yếu tố liên quan sức khỏe như tình trạng lúc sinh, yếu tố nguy cơ đến sức khỏe cá nhân…; C- Tiêm chủng, bao gồm tiêm chủng cơ bản, tiêm chủng ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng uốn ván; D- Khám lâm sàng và cận lâm sàng).

Để cập nhật đủ các nhóm thông tin theo quy định, hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc cả khách quan và chủ quan. Hiện nay, tại tuyến cơ sở, lượng người đến khám, chữa bệnh tại các trạm Y tế rất thấp, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc cập nhật và nhập liệu các nhóm thông tin trên hồ sơ sức khỏe theo quy định. Mặt khác, điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các trạm Y tế hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai các hoạt động nhập liệu như máy tính cũ, lạc hậu, hư hỏng…; Các thông tin về dân số trích xuất từ bảo hiểm xã hội tỉnh chưa đầy đủ, không cập nhật được đối tượng chuyển khẩu hoặc tử vong; Nhóm thông tin phần C (Tiêm chủng) của hồ sơ sức khỏe chưa liên thông, kết nối được với phần mềm của hệ thống thông tin Tiêm chủng Quốc gia và với phần mềm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang cùng lúc triển khai nhiều phần mềm theo dõi công tác chuyên môn khác nhau, điều này vừa gây khó khăn cho công tác quản lý, vừa khiến các đơn vị bị áp lực về việc bố trí nhân lực thực hiện. Bên cạnh đó, tại tuyến cơ sở hầu như không đồng nhất về đơn vị cung ứng các phần mềm này dẫn đến việc cập nhật thông tin dữ liệu vào hệ thống HSSK điện tử từ các phần mềm còn nhiều bất cập, khó thực hiện. Ngoài ra, do nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp, hàng năm các đơn vị rất hạn chế trong việc triển khai các đợt khám chủ động để phát hiện, sàng lọc bệnh nhân qua đó cập nhật dữ liệu cho nhóm thông tin về tiền sử và các yếu tố liên quan đến sức khỏe trong hồ sơ sức khỏe điện tử.

Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử là nhiệm vụ quan trọng trong việc hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm dữ liệu Y tế Quốc gia, vì vậy, để việc thực hiện nhiệm vụ này đạt chỉ tiêu, chất lượng, trách nhiệm không chỉ của riêng ngành Y tế mà cần sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương các cấp. Về phía các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân, cán bộ viên chức nhận thức rõ lợi ích, ý nghĩa của hoạt động nhập liệu HSSK điện tử, để chủ động khám sức khỏe định kỳ và tham gia bảo hiểm y tế làm cơ sở dữ liệu cho việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử; huy động nguồn lực hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở y tế địa phương cập nhật dữ liệu lấp đầy hồ sơ; tổ chức điều tra, thu thập thông tin và hỗ trợ cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Về phía ngành Y tế, tùy vào chức năng nhiệm vụ từng đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyên môn như cập nhật, nhập liệu lấp đầy các trường thông tin; chỉnh lý hồ sơ các thông tin đã thay đổi như căn cước công dân, địa giới, biến động dân cư…; cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử qua ứng dụng VNPT Health trên điện thoại thông minh cho người dân; tổ chức các hoạt động giám sát, hỗ trợ, đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ đồng thời kết nối, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc hỗ trợ tổ chức thiết lập hồ sơ.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website