A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Y tế tỉnh Đắk Nông tiếp bước truyền thống và khẳng định vị thế

Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay (27/02/1955 - 27/02/2025) có chủ đề “Ngành Y tế - 70 năm làm theo lời Bác”. 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam cũng là 21 năm ngày thành lập ngành Y tế tỉnh Đắk Nông. Theo đó, mặc dù còn non trẻ nhưng toàn ngành đã và đang dần có những bước chuyển mình, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Ổn định tổ chức bộ máy, từng bước hoàn thiện và phát triển

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Sở Y tế đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện hệ thống trong từng giai đoạn phù hợp với các quy định của Trung ương. Đến nay, hệ thống y tế địa phương đã hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu tinh gọn đầu mối, phát huy hiệu quả, hiệu lực nguồn nhân lực.  

Năm 2024, Ngành Y tế tỉnh Đắk Nông có 14 cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Y tế gồm cơ quan Sở, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến tỉnh gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Pháp Y; các đơn vị sự nghiệp y tế tuyến huyện, thành phố gồm 08 TTYT huyện, thành phố, trong đó, TTYT trực tiếp quản lý 71 trạm Y tế xã, phường, thị trấn.

Phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế

Năm 2004, toàn tỉnh chỉ có 178 bác sĩ - đạt 4,1 bác sĩ/vạn dân, trong đó có 16 bác sĩ có trình độ chuyên môn sau đại học. Trong hoàn cảnh thiếu thốn nguồn nhân lực trình độ cao, Ngành Y tế đã chủ động, tích cực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực trình độ cao.

Đến năm 2024, tổng nhân lực y tế trên toàn tỉnh có 2.179 CBCCVC, trong đó, có 511 người có trình độ chuyên môn bác sĩ. Cụ thể, bác sĩ đại học 349 người, bác sĩ CKI và Thạc sĩ là 149 người; bác sĩ CKII và Tiến sĩ có 11 người; dược sĩ đại học 79 người và dược sĩ CKI 13 người.

Đáp ứng nhu cầu cơ bản về khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân, từng bước phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao

Đến nay hệ thống trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Các cơ sở KCB được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Máy chụp cắt lớp, Máy phẫu thuật nội soi, Máy nội soi chẩn đoán, Máy X.quang kỹ thuật số, Máy siêu âm tim màu, Máy chạy thận nhân tạo…..Qua đó, một số cơ sở đã triển khai các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu trong KCB như: kỹ thuật điều trị thông mạch vành bằng thuốc tiêu sợi huyết, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi nâng cao, kỹ thuật kết hợp xương hiện đại, kỹ thuật vi phẫu, kỹ thuật nội soi khớp, kỹ thuật thay khớp, lọc máu liên tục, bơm Surfactan cho trẻ sơ sinh,…

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu về cấp cứu, KCB cho nhân dân (đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách...), các cơ sở y tế trên địa bàn đã không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, thay đổi thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã đầu tư và đưa vào hoạt động phòng mổ đạt chuẩn vô khuẩn. Một số kỹ thuật phức tạp đã được triển khai như: phẫu thuật ngoại khoa thay khớp háng, nội soi khớp gối, vi phẫu nối mạch máu, thần kinh... Tỷ lệ thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật tại đơn vị tuyến huyện tăng từ 29% (năm 2016) lên 85,7% (năm 2022). Việc triển khai ứng dụng có hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật cao đã giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong, giảm dần tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Theo đó, số lượt chuyển tuyến giảm từ 27.132 (năm 2018) xuống còn 21.278 (năm 2021).

BVĐK tỉnh cũng không ngừng mở rộng dịch vụ kỹ thuật thông qua việc triển khai Chương trình hợp tác trong lĩnh vực y tế với TP. Hồ Chí Minh. Đến thời điểm hiện nay, BVĐK tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ Hợp tác và hỗ trợ nâng cao năng lực y tế với bệnh viện Mắt giai đoạn 2024-2025; Cử nhân lực đi đào tạo tại bệnh viện Nhiệt đới triển khai kỹ thuật “Đo tải lượng vi rút gây bệnh bằng Kỹ thuật RT-PCR”; chuyển giao kỹ thuật “Phẫu thuật tán nhuyễn tinh thể bằng siêu âm (Phaco)” từ Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh …

Đối với tuyến huyện, Trung tâm Y tế các huyện đã làm việc trực tiếp và thống nhất nội dung hợp tác với các bệnh viện tuyến cuối của TP Hồ Chí Minh và cử các “ekip” đi đào tạo, học tập tại cơ sở y tế đã ký kết, hợp tác.

Chất lượng KCB tại các cơ sở y tế ngày càng cải thiện, nâng cao. Các cơ sở KCB công lập tiếp tục được quan tâm đầu tư, số giường bệnh tăng từ 1.155 (năm 2018) lên 1.430 (năm 2024). Công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 77% (năm 2004) lên 87,6% (năm 2019). Riêng năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19, công suất sử dụng giường bệnh giảm còn 71% (năm 2020) và 54,9% (năm 2023). Đến năm 2024, công suất sử dụng giường bệnh trung bình đạt 63,7%. 100% các Trạm Y tế có đủ dụng cụ thông thường phù hợp với trình độ chuyên môn và theo phân tuyến kỹ thuật để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu; 100% trạm Y tế ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu KCB và thông tin báo cáo hàng ngày.

Số lượt người dân đến KCB không ngừng gia tăng. Năm 2004, tổng số lượt KCB là 114.444 lượt, trong đó số lượt điều trị nội trú là 17.975 lượt. Trong năm 2024, tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, huyện là 686.584 lượt; tổng số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại tuyến xã là 219.651 lượt.

Đối với mạng lưới y tế tuyến cơ sở đang từng bước được củng cố và kiện toàn, phương thức hoạt động có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả phòng bệnh, khám, chữa bệnh được cải thiện; chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng cao; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ KCB cho y tế cơ sở được quan tâm đầu tư. Việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đã góp phần quan trọng cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh và hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Chủ động và tích cực phòng chống dịch bệnh

Với phương châm “Phòng bệnh là chính, chữa bệnh là quan trọng”, Ngành Y tế đã chú trọng công tác tuyên truyền; chủ động, tăng cường phòng, chống dịch bệnh, kịp thời dập tắt các ổ dịch, không để lây lan.

Toàn ngành luôn chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành dịch và triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời. Tổ chức xử lý các ổ dịch ngay sau khi phát hiện và tích cực triển khai các biện pháp dự phòng, khoanh vùng dịch tễ; đảm bảo đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Đồng thời, duy trì công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân tiến tới thay đổi hành vi phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó, nhóm các bệnh truyền nhiễm giảm hơn 80% so với khi thành lập tỉnh. Việc quản lý và điều trị các bệnh mãn tính không lây ngày một được quan tâm và hoàn thiện.

Cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân có bước phát triển quan trọng. Ðiều này đặt nền móng xây dựng nền y tế thông minh với ba trụ cột chính là phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe thông minh; khám, chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Người dân bước đầu được hưởng lợi từ các thành tựu CNTT trong hoạt động y tế. Triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử từng bước giảm giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho tuyến trên.

Công tác cải cách hành chính được ngành Y tế tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bước đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện tại, Ngành đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa điện tử; các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung, cắt giảm những thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Định hướng phát triển

Để tiếp tục phát triển sự nghiệp y tế, đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và chữa bệnh trong tình hình mới, ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện hế thống y tế địa phương và tập trung đào tạo, tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn sâu; Nâng cao năng lực công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh; tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới; Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, mở rộng quy mô giường bệnh và tăng cường phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu phù hợp với từng tuyến; Phát triển y dược học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe; Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác y tế; Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục và truyền thông y tế; Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính y tế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hơn 20 năm là chặng đường chưa đủ dài để xây dựng và phát triển một ngành Y tế vững mạnh, phát triển ổn định. Song, những kết quả mà tập thể người lao động Ngành Y tế Đăk Nông đã nỗ lực đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận, thể hiện ở sự vững vàng, khả năng đáp ứng trong thời gian chống dịch COVID-19. Đây sẽ là động lực, là tiền đề để Ngành tiếp tục phát triển, đoàn kết, hướng đến sự ổn định, phát triển bền vững, ngày càng đáp ứng sự mong mỏi cao hơn của Đảng, các cấp chính quyền và người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong điều kiện, tình hình mới ./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website