BVĐK tỉnh Đăk Nông – 20 năm một chặng đường
Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27/2/1955 – 27/2/2025 cũng là dịp mà BVĐK tỉnh Đăk Nông nhìn lại 20 năm hình thành và quá trình phát triển. Tập thể cán bộ, nhân viên BVĐK tỉnh đã đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau đi qua những năm tháng, chặng đường khó khăn, thách thức, luôn cố gắng nỗ lực vượt qua để phát triển, trưởng thành, thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
BVĐK tỉnh Đăk Nông được thành lập theo Quyết định số 102/QĐ-UB ngày 10 tháng 2 năm 2004 của UBND tỉnh và chính thức hoạt động vào ngày 8/3/2004. Những ngày đầu thành lập, BV có quy mô 50 giường bệnh, 7 khoa phòng chức năng với tổng số 55 cán bộ biên chức. Hệ thống trang thiết bị cũ, lạc hậu và thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng tiếp nhận từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đăk Nông cũ, chật chội, xuống cấp trầm trọng đã gây ra không ít khó khăn cho quá trình công tác của CBVC, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả khám, chữa bệnh. Trải qua 20 năm phấn đấu không ngừng nghỉ, hiện Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông là bệnh viện hạng II trực thuộc Sở Y tế, luôn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ chính là cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh với quy mô giường bệnh là 445 giường, 24 khoa, phòng. Từ số nhân lực ít ỏi ban đầu, hiện BV có tổng số 410 nhân lực, trong đó có 357 biên chế và 53 hợp đồng lao động.
Một ca phẫu thuật tại BVĐK tỉnh
Những năm qua, BV luôn duy trì, đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, không để xảy ra sai sót chuyên môn do thiếu tinh thần trách nhiệm. Năm 2015, tỷ lệ thực hiện các danh mục kỹ thuật theo phân tuyến đạt 59,2%, đến năm 2023 tỷ lệ này là 64.92%. Năm 2010, BVĐK tỉnh triển khai dịch vụ kỹ thuật CT-Scaner; năm 2014 tiến hành xã hội hoá máy CT-Scaner 64 lát cắt. Nhờ đó đã hỗ trợ cho công tác chẩn đoán, hạn chế chuyển tuyến rất nhiều bệnh nhân bị chấn thương, tạo nền móng cho sự phát triển các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực ngoại khoa. Năm 2010, BVĐK tỉnh bắt đầu tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn theo Đề án 1618 của Bộ Y tế từ các đơn vị đầu ngành như BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Nhi đồng II, BV Từ Dũ, BV Nhiệt Đới, BV Nhân dân 115. Với sự giúp sức của các đơn vị đầu ngành nói trên, BVĐK tỉnh đã triển khai được hàng loạt các kỹ thuật cao như: Phẫu thuật nội soi ngoại khoa, sản phụ khoa; phẫu thuật chấn thương sọ não; phẫu thuật thần kinh; phẫu thuật đục thuỷ tinh thể ngoài bao; các thủ thuật hồi sức cấp cứu, tim mạch; cấp cứu nhi sơ sinh; thận nhân tạo; điều trị một số bệnh bằng liệu pháp oxy cao áp… Với tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm”, sau 20 năm xây dựng và phát triển, BVĐK tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân như: Cải tiến quy trình khám bệnh, xây dựng chuẩn hoá quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh; đổi mới tinh thần thái độ phục vụ người bệnh…Với sự đầu tư phát triển toàn diện, cùng với hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ cán bộ nhân viên nhiệt huyết, nhiều kỹ thuật mới đã được BVĐK tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, xây dựng ngành Y tế tỉnh nhà theo hướng hiện đại, khoa học. Đặc biệt, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện cùng nhau rèn luyện, trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp, ngày càng trưởng thành, vững bước đi lên, khẳng định thương hiệu, luôn đồng hành cùng nhân dân.
Hiện, BVĐK tỉnh đã cấp cứu, điều trị kịp thời một số ca bệnh nặng như: phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân Sốc giảm thể tích, vết thương thấu ngực; chấn thương bụng kín vv; cấp cứu thành công nhiều sản phụ tiền sản giật thể nặng...Duy trì tốt một số kỹ thuật cao, chi phí lớn như: phẫu thuật nội soi sản phụ khoa; phẫu thuật nội soi khớp; thay khớp háng; phẫu thuật chấn thương sọ não; triển khai các kỹ thuật mới trong lĩnh vực ngoại thần kinh; phẫu thuật thành công bệnh nhân gãy đốt sống thắt lưng do té ngã; cứu sống bệnh nhân vết thương thấu bụng, thấu ngực; đỡ đẻ thành công sản phụ thiếu máu, sản giật nặng có vết mổ cũ; điều trị thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết; phẫu thuật thành công cho người bệnh bị sốc mất máu, vỡ gan phức tạp do tai nạn giao thông…
Bệnh viện Mắt tổ chức chuyển giao kỹ thuật “Phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm (Phaco) có hoặc không đặt IOL” tại bệnh viện tỉnh từ ngày 28/8/2024. Kết quả thực hiện: 02 Bác sĩ khoa Mắt Bệnh viện tỉnh tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Thực hiện 12 đợt phẫu thuật, với tổng số 155 bệnh nhân, trong đó: Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh thực hiện 75 ca có sự giám sát của Bác sĩ Bệnh viện Mắt và 12 ca thực hiện độc lập; 71 ca khó do Bác sĩ Bệnh viện Mắt thực hiện.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, BVĐK tỉnh tiếp tục kiện toàn và phát triển đội ngũ cán bộ y tế. Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch; phát triển danh mục kỹ thuật mới; nâng cao năng lực, trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Xây dựng kế hoạch hoạt động, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, triển khai các giải pháp nhằm cải tiến nâng cao chất lượng bệnh viện. Tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác với các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Đảm bảo mua sắm, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế đáp ứng được nhu cầu phát triển chuyên môn. Nâng cao vai trò trách nhiệm và chất lượng hoạt động của các Hội đồng. Nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính. Thực hiện tốt công tác tự chủ, nâng cao năng lực quản lý tài chính. Kiện toàn, sắp xếp lại nhân lực phù hợp với vị trí việc làm, năng lực chuyên môn. Tăng cường đào tạo đội ngũ lãnh đạo cấp khoa, phòng và các cán bộ được quy hoạch. Cử cán bộ đào tạo chuyên khoa, tổ chức luân phiên đào tạo, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế. Hợp tác với các dự án đào tạo liên tục và đào tạo ngắn hạn. Tiếp tục thu dung, cấp cứu và điều trị người bệnh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu. Tập trung cải tiến chất lượng bệnh viện; nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ. Tiếp tục đề xuất và thực hiện có hiệu quả việc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn từ tuyến trên. Triển khai, thực hiện tốt Luật KCB, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến công tác KCB. Đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người bệnh BHYT, kiểm soát tốt quỹ BHYT, hạn chế tối đa xuất toán BHYT. Tiếp tục duy trì và hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ thực hiện các quy chế bệnh viện. Biểu dương khen thưởng kịp thời cho cán bộ, tập thể có thành tích xuất sắc. Phát hiện chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm những sai phạm. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, tiếp tục đổi mới phong cách hướng tới sự hài lòng của người bệnh./.