A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện Đề án 06/CP góp phần hỗ trợ ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử trong toàn ngành

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) là đề án quan trọng, đột phá để thực hiện chiến lược phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đồng thời tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn. Xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của Đề án này, trong quá trình hoạt động, Sở Y tế đã đưa việc triển khai thực hiện Đề án thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị trong toàn ngành. Qua đó, đã lựa chọn triển khai thực hiện 03 mô hình của Đề án, bao gồm: Mô hình khám, chữa bệnh sử dụng căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng VneID; Mô hình không dùng tiền mặt; Mô hình khai báo lưu trú cho người bệnh, người nhà trên ứng dụng VneID và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và ứng dụng hiệu quả hồ sơ sức khỏe trong toàn ngành.

Quét CCCD cập nhật thông tin khai báo lưu trú cho người bệnh tại Khoa Ngoại BVĐK tỉnh

Để triển khai các mô hình, các đơn vị đã trang bị đầy đủ nguồn lực cả về con người trang và thiết bị, tăng cường công tác tuyên truyền tiện ích của mô hình đến viên chức và người lao động, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh nhằm tạo sự hưởng ứng, đồng thuận trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, ngân hàng, Bảo hiểm xã hội, tổ chức tập huấn các nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ đồng thời nâng cấp các phần mềm, lắp đặt mạng Wifi nhằm phục vụ các ứng dụng công nghệ như đọc dữ liệu, thanh toán điện tử …

Bệnh viện đa khoa tỉnh (BVĐK) là một trong những đơn vị triển khai có hiệu quả các mô hình của Đề án. Đến nay, được sự hỗ trợ của Công an tỉnh, BV đã lắp đặt 01 hệ thống máy khai báo lưu trú tại khoa Ngoại bao gồm 1 đầu đọc dữ liệu và 01 máy tính có kết nối Internet. Với các thiết bị này, bất cứ bệnh nhân nào khi nhập viện đều được quét thẻ căn cước công dân, mọi thông tin cá nhân sẽ được hiển thị trên phần mềm và tự động được cập nhật trên hệ thống khai báo lưu trú do cơ quan công an quản lý. Trước đây, để làm việc này, các khoa, phòng của Bệnh viện phải cử cán bộ nhập liệu thông tin hành chính bệnh nhân bằng phương pháp thủ công sau đó thống kê báo cáo cho cơ quan công an bằng văn bản rất tốn thời gian, nhân lực với nhiều thủ tục rườm rà. Nhờ ứng dụng mô hình khai báo lưu trú cho người bệnh, người nhà bệnh nhân trên ứng dụng VneID, BV đã cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính để tập trung vào việc triển khai chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc, phục vụ người bệnh.

Với mô hình khám, chữa bệnh sử dụng căn cước công dân và ứng dụng VneID, người bệnh khi đến bệnh viện chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân hoặc điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VneID. Nhân viên y tế sau khi tiếp nhận sẽ quét CCCD, các thông tin của người dân sẽ hiển thị đầy đủ chính xác và không phải đối chiếu xác minh với bất kỳ giấy tờ nào kể cả thẻ bảo hiểm y tế. Mô hình này đã giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng, đơn giản và tiện lợi hơn đồng thời cải tiến được chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ BHYT và chống lạm dụng trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Tương tự như hai mô hình ứng dụng nói trên, mô hình thanh toán không dùng tiền mặt triển khai tại BVĐK tỉnh thời gian qua cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Người bệnh thanh toán các chi phí thuận tiện, nhanh chóng, giảm thời gian chờ đợi, tránh các rủi ro nhầm lẫn trong kiểm đếm đồng thời đảm bảo an toàn tài sản khi không phải mang theo nhiều tiền mặt trong tay.  Với phương thức này, người dân chỉ cần mang theo điện thoại thông minh hoặc thẻ thanh toán đều có thể giao dịch, chi trả một cách nhanh chóng tại BV. Phương thức thanh toán này cũng giúp BV quản lý dòng tiền chặt chẽ hơn và nhà nước giảm tải được chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm.

Theo ông Huỳnh Thanh Huynh – Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện toàn ngành đã và đang triển khai thực hiện tốt 03 mô hình của Đề án 06. Kết quả, có 9/9 (100%) cơ sở khám, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh và huyện (Bệnh viện đa khoa tỉnh, Phòng khám đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện: Đắk G’Long, Đắk R’Lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jut, Krông Nô và Tuy Đức) thực hiện thanh toán viện phí không dùng tiền mặt thông qua nhiều phương thức như quét mã QRPay, Pos, Internet Banking). Cả 9/9 cơ sở y tế công lập và nhiều trạm Y tế cũng triển khai thành công mô hình tiếp nhận khám, chữa bằng thẻ CCCD. Riêng mô hình khai báo lưu trú cho người bệnh, người nhà người bệnh trên ứng dụng VneID hiện chỉ mới triển khai tại 8/8 cơ sở khám, chữa bệnh có giường bệnh. Cũng theo ông Huynh, hiện tổng số hồ sơ khởi tạo có tài khoản Hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSK) từ Bảo hiểm xã hội tỉnh (Thông tin chung; Thông tin thẻ BHYT; Thông tin quan hệ gia đình; Thông tin liên hệ) là 662.033/662.033, đạt 100%.

Thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia ứng dụng thực hiện các mô hình qua đó góp phần cùng ngành Y tế nâng cao chất lượng phục vụ và chăm sóc người bệnh đạt kết quả tốt.


Tác giả: Hồ Long

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website