A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đăk Nông chú trọng phát triển phục hồi chức năng cho người khuyết tật

Các bệnh nhân đang điều trị tại TTYT huyện Cư Jut

Sau 20 năm tái lập tỉnh, hệ thống các cơ sở y tế tỉnh Đăk Nông từ tuyến tỉnh đến cơ sở đang từng bước được hoàn thiện và dần ổn định. Ngành Y tế đã thực hiện sắp xếp lại các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực dự phòng, thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập 05 đơn vị dự phòng tuyến tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-TW. Trung tâm Y tế huyện, thành phố đa chức năng trên cơ sở sáp nhập 03 đơn vị y tế tuyến huyện gồm bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm Y tế huyện và Trung tâm Dân số huyện. Trung tâm Y tế huyện/ thành phố trực tiếp quản lý các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Dịch vụ y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng ngày càng được nâng cao, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao được triển khai, các tuyến y tế được đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Tỷ lệ bệnh nhân hài lòng với chất lượng khám, chữa bệnh ngày một tăng lên, đáp ứng tốt nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những thành quả mà ngành Y tế đã đạt được trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân vẫn còn một số dịch vụ được triển khai nhưng chưa đạt hiệu quả. Cụ thể, Chương trình phục hồi chức năng (PHCN) trên địa bàn tỉnh Đăk Nông được triển khai nhưng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Mạng lưới PHCN trong hệ thống y tế vẫn chưa được hoàn thiện. Tại các cơ sở y tế trên địa bàn như Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện vẫn chưa có khoa PHCN. Trên địa bàn toàn tỉnh cũng chưa có cơ sở chuyên khoa PHCN tư nhân. Mọi hoạt động PHCN chỉ lồng ghép vào khoa Y học cổ truyền hoặc thực hiện thêm danh mục kỹ thuật PHCN trong phòng khám y học cổ truyền tư nhân. Nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực PHCN còn thiếu về cả số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên toàn tỉnh chỉ có 13 kỹ thuật viên PHCN, trong đó Bệnh viện đa khoa tỉnh có 07 người, Trung tâm y tế Cư Jut 04 người, trung tâm Y tế Đăk Mil 01 người và trung tâm Y tế Đăk R’Lấp 01 người. Nguồn nhân lực còn lại chủ yếu là các bác sĩ Y học cổ truyền, y sỹ Y học cổ truyền được đào tạo thêm kỹ thuật chuyên khoa PHCN. Trang thiết bị phục vụ cho PHCN chưa được đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe, PHCN cho người khuyết tật, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 31/01/2024 về việc triển khai quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Theo đó, trong thời gian tới, các sở, ngành sẽ phối hợp, phát triển mạng lưới cơ sở PHCN trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm và can thiệp sớm đảm bảo người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN một cách tốt nhất. Cụ thể, xây dựng lộ trình phát triển PHCN giai đoạn 2023-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Phấn đấu đến năm 2030 tại bệnh viện đa khoa tỉnh sẽ thành lập khoa PHCN và thực hiện đào tạo cán bộ có chuyên môn PHCN, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; 80% trung tâm Y tế các huyện sẽ thành lập tổ chức PHCN (khoa, phòng, tổ PHCN); 100% khoa PHCN nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN; tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật; 100% các xã, phường, thị trấn được củng cố, hoàn thiện và phát triển mô hình PHCN dựa vào cộng đồng. Giai đoạn đến năm 2050 PHCN sẽ được phát triển tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập với sự nhiều phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ PHCN toàn diện, liên tục và chất lượng. Nguồn nhân lực được đào tạo PHCN đạt tỷ lệ tối thiểu 0,5 người/10.000 dân. Đồng thời, củng cố hoàn thiện hệ thống PHCN và mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng.

Bệnh viện đa khoa tỉnh và trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc, PHCN cho người bệnh ngay từ giai đoạn sau cấp cứu và trong quá trình điều trị. Ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu về PHCN, kết hợp PHCN với Y học cổ truyền. Đồng thời, tập trung phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường ứng dụng phương pháp mới, kỹ thuật mới, chuyên sâu và phối hợp điều trị, chuyển tuyến trong lĩnh vực PHCN. Tại cộng đồng mạng lưới PHCN sẽ được bổ sung vào nhiệm vụ của Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các huyện, thành phố. Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên chương trình PHCN dựa vào cộng đồng, nhân viên công tác xã hội, người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật sẽ được đào tạo, cập nhật kiến thức liên quan đến PHCN. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật, người khuyết tật và công tác PHCN nhằm vận động các cấp, ngành, đoàn thể và người dân thực hiện chủ trương, chính sách, các hướng dẫn chuyên môn về PHCN, các khuyến cáo về phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật./.


Tác giả: Nhật Nguyên

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website