A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắk Nông chuẩn bị các giải pháp triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa

Việc triển khai Đề án khám chữa bệnh từ xa được xem là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, tạo sự công bằng trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh đối với người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiếu số tại địa phương; tạo sự liên thông trong hệ thống y tế, tạo điều kiện chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết với điều kiện cho phép, đảm bảo an toàn người bệnh, giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân.

Triển khai đề án khám chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế

Thông qua việc triển khai Đề án, các cơ sở khám chữa bệnh được trang bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, phần mềm công nghệ thông tin phù hợp với loại hình dịch vụ cung cấp và bảo đảm việc truyền tải, hiển thị, xử lý, lưu trữ dữ liệu an toàn, bảo mật cũng như đảm bảo năng lực về chuyên môn. Đắk Nông đang thực hiện lộ trình đảm bảo đến năm 2025, có 01 bệnh viện tuyến tỉnh có đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và trang thiết bị để kết nối với các bệnh viện Trung ương và hỗ trợ cho trung tâm Y tế (bệnh viện) tuyến huyện thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. 07 trung tâm Y tế (bệnh viện) tuyến huyện thực hiện được việc khám, chữa bệnh từ xa kết nối với bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương. Các trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa.

Đến giai đoạn tiếp theo (2025-2030), tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động kết nối khám, chữa bệnh từ xa 03 tuyến và đào tạo chuyển giao kỹ thuật, quản lý, kiểm tra giám sát thực hiện Đề án. Tiếp tục đầu tư triển khai mô hình hệ thống phòng khám bệnh, tư vấn từ xa trong một số chuyên khoa có nhu cầu cao, người bệnh quá tải tuyến Trung ương cũng như nhu cầu của tỉnh Đắk Nông như: Tim mạch, Ngoại chấn thương, Hô hấp, Tiết niệu, Thần kinh… Từ năm 2025, tỉnh sẽ triển khai tư vấn phẫu thuật từ xa tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và 05 Trung tâm Y tế tuyến huyện (Đắk R’Lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô) và tại Trung tâm Y tế huyện Tuy Đức và Đắk Glong từ năm 2027.

Theo đó, trước mắt, tỉnh sẽ tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật cho các y, bác sỹ theo định hướng chuyên khoa sâu từng lĩnh vực, theo mô hình bệnh tật tại địa phương. Đồng thời điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung khám bệnh, chữa bệnh từ xa của cơ sở, đảm bảo công tác thanh quyết toán bảo hiểm y tế theo quy định. Các cơ sở khám, chữa bệnh tham mưu hoàn thiện về cơ cấu tổ chức nhân lực bệnh viện theo tư vấn của bệnh viện tuyến trên cũng như có chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để động viên cán bộ, nhân viên bệnh viện tham gia đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Việc đa dạng các hình thức truyền thông cần được ưu tiên giúp người dân hiểu về lợi ích trong khám, chữa bệnh từ xa đồng thời khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh chủ động cho mọi người dân, với phương châm “Sức khỏe cho mọi người - Health for all”. Chú trọng truyền thông, tư vấn về các biện pháp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm như các bệnh tim mạch, ung bướu, chấn thương qua hệ thống công nghệ thông tin (tele-medicine). Ngành Y tế sẽ tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.

Giải pháp then chốt để triển khai thành công Đề án là trang thiết bị, phần mềm. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư 03 gói thiết bị, phần mềm gồm thiết bị đầu cuối (Thiết bị hỗ trợ tư vấn đào tạo từ xa, màn hình hiển thị, hệ thống âm thanh, hệ thống máy tính và các thiết bị phụ trợ khác triển khai tại bệnh viện, Trung tâm Y tế trên địa bàn), hệ thống phần mềm họp trực tuyến và phần mềm hỗ trợ kết nối và truyền tải hình ảnh từ các thiết bị y tế phục vụ hội chẩn, đào tạo từ xa. Để phục vụ cho việc hội chẩn khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh xây dựng hệ thống bệnh án điện tử để thay thế bệnh án giấy hiện nay nhằm thao tác nhanh với kết quả từ xét nghiệm, siêu âm, nội soi, điện tim, các loại thuốc được kê đơn, phương pháp điều trị và tóm tắt lâm sàng; xây dựng hệ thống chuyên dụng cho phép truyền tải hình ảnh, dữ liệu tập trung về tuyến trên, cho phép trao đổi trực tiếp với bác sĩ bệnh viện tuyến trên. Các cơ sở sẽ sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) để tham gia và tổ chức hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh. Dữ liệu hệ thống PACS này được chia sẻ giữa các bệnh viện cùng tuyến và khác tuyến; trang bị các giải pháp tổ hợp phần mềm và phần cứng có nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ, hiển thị, chuyển giao những hình ảnh chụp từ X-Quang, CT, MRI, siêu âm, nội soi, điện tim, điện não đồ; xây dựng hệ thống cho phép truy cập và tái tạo lại các hình ảnh đã được lưu trữ dưới nhiều định dạng khác nhau hỗ trợ tối đa cho việc hội chẩn từ xa. Để thực hiện hội chẩn tư vấn phẫu thuật, các cơ sở khám chữa bệnh sử dụng các xe đẩy thông minh trong phòng phẫu thuật với các thiết bị chuyên dụng cho phép truyền tải hình ảnh, dữ liệu người bệnh về tuyến trên để trao đổi trực tiếp với bác sĩ tuyến trên và đánh giá thực trạng để trang bị phòng mổ thông minh với khả năng theo dõi thông tin chi tiết qua thiết bị đầu cuối thông minh. Phòng mổ thông minh có hệ thống điều khiển thông minh các chức năng hỗ trợ như: Nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh giúp tạo sự an tâm và thoải mái nhất cho phẫu thuật viên để nâng cao chất lượng các ca mổ.

Việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa trong hệ thống y tế sẽ giảm thiểu sự bất bình đẳng và các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.


Tác giả: Ngọc Vân

Tin liên quan

Tin mới

noData
Không có dữ liệu

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website