Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp
Tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố, trong đó, có tỉnh Đăk Lăk. Đăk Lăk có huyện Buôn Đôn, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột giáp ranh với tỉnh Đăk Nông nên khả năng lây lan bệnh dịch tả lợn châu phi là rất lớn. Hiện bệnh dịch đang xảy ra tại 06 huyện/thành phố thuộc tỉnh Đăk Lăk (TP Buôn Ma Thuột, huyện EaSup, huyện EaKar, Huyện Krông Păk, Krông Ana và Buôn Đôn) với tổng số đàn lợn bị bệnh và phải bị tiêu hủy là 1.438 con, với trọng lượng 60,3 tấn
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ lây lan, bùng phát của dịch tả lợn châu Phi, Chi cục Phát triển nông nghiệp đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh. Chủ động phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi như không giấu dịch, không giết mổ, mua bán lợn bệnh, không vứt xác lợn bệnh ra môi trường, không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh ra thị trường. Đồng thời, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người chăn nuôi, cơ sở thú y thường xuyên theo dõi áp dụng các biện pháp sinh học trong chăn nuôi. Chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất tại các chuồng trại chăn nuôi và xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Tại các địa phương đã phát hiện ổ dịch, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp phải tăng cường, kiểm soát việc giết mổ và tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ thịt lợn trong phạm vi vùng dịch bị uy hiếp. Các cơ sở giết mổ phải có sự giám sát của cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Tiến hành tiêu hủy toàn bộ lợn khi phát hiện lợn bị bệnh và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch đảm bảo không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan sang nơi khác.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong cộng đồng không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với các chủ chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, tuy nhiên các chuyên gia thú y cảnh báo, khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng. Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái, tiết canh. Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu lợn, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như gỏi, tiết canh./.