A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 100 ca mắc sốt xuất huyết trong tháng đầu năm

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua trung gian là muỗi vằn. Đến nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Chính vì thế, việc diệt muỗi và loại bỏ nơi trú ẩn, sinh sản của muỗi đang là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Theo các chuyên gia, bệnh SXH thường bùng phát và thời điểm đầu và cuối mùa mưa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bất kể lúc nào người dân lơ là, chủ quan trong việc phòng, chống thì bệnh cũng có thể bùng phát.

Tại địa bàn tỉnh Đăk Nông, mặc dù địa phương đang trong thời kỳ mùa khô hạn, hơn 2 tháng không có mưa trên địa bàn, tuy nhiên số ca bệnh SXH vẫn được ghi nhận gia tăng qua từng ngày. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, hơn 01 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã có 96 ca mắc trong đó tập trung phần lớn ở 02 huyện Tuy Đức (13 ca) và Đăk R’lấp (49 ca). Với số ca mắc nêu trên, bình quân mỗi tuần có thêm 13 ca mắc mới.

Năm 2019 là năm SXH bùng phát mạnh với hơn 5.500 ca mắc trong đó có 01 trường hợp tử vong. Những địa phương có số mắc cao năm nay tiếp tục xuất hiện ca bệnh. Điều này cho thấy mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch là rất lớn. Vì vậy, người dân cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc tuân thủ những biện pháp phòng, chống để hạn chế  thấp nhất số ca mắc và tử vong do SXH.

Nắm bắt tình hình, ngay từ những ngày đầu năm mới 2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống SXH. Trong đó, chú trọng việc điều tra, giám sát ca bệnh; điều tra đánh giá chỉ số véc tơ và yếu tố nguy cơ tại khu vực ghi nhận ca bệnh nhằm xác định sớm, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; Đảm bảo 100% ca bệnh được điều tra, xác minh đánh giá dịch tễ đầy đủ, kịp thời; 100% ổ dịch được phát hiện và xử lý trong vòng 48 giờ sau khi được xác định.

Trung tâm KSBT cũng chỉ đạo các TTYT duy trì hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy với tần suất 1 tuần/lần tại khu vực có ổ dịch đang hoạt động và ít nhất 2 tuần/lần tại các khu vực còn lại; duy trì hoạt động các đội xung kích diệt loăng quăng, bọ gậy tại từng thôn/bon. Bên cạnh đó, yêu cầu các đơn vị phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức truyền thông về bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức; khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là trong việc phòng bệnh SXH, ngay cả trong giai đoạn mùa khô.

Hiện nay, bên cạnh những người dân am hiểu, tích cực phòng bệnh vẫn còn một bộ phận không nhỏ lơ là, chủ quan và trông chờ ngành Y tế phun thuốc diệt muỗi. Thực tế, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ có thể tiêu diệt muỗi trưởng thành và không tiêu diệt được lăng quăng, bọ gậy. Vậy nên người dân cần chủ động vệ sinh môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ, đậy kín hoặc thả cá vào bể chứa nước để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy… Đó chính là biện pháp phòng bệnh SXH hiệu quả nhất.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website