A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 90% bệnh nhân HIV được điều trị dự phòng lao

Gần 90% bệnh nhân HIV được điều trị dự phòng lao 25/09/2019 Những người nhiễm HIV do suy giảm miễn dịch nên dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Trong đó lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất. Vì vậy, bệnh nhân HIV phải được điều trị dự phòng lao kịp thời để góp phần làm giảm tỷ lệ người đồng nhiễm lao - HIV, qua đó giúp nâng cao sức khỏe và kéo dài sự sống cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân HIV tham gia điều trị dự phòng lao nhằm kịp thời hạn chế bệnh nhân đồng mắc lao và HIV

Giảm nguy cơ mắc lao

Có mặt tại Khoa Khám - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, phóng viên có dịp tiếp xúc với nhiều bệnh nhân HIV đến điều trị. Hầu hết người nhiễm HIV được hỏi đều tham gia điều trị dự phòng bệnh lao. Anh S, một người nhiễm HIV, ở xã Trường Xuân (Đăk Song), anh được phát hiện nhiễm HIV từ năm 2003 và bắt đầu điều trị ARV từ năm 2016 kể: “Tôi vừa điều trị ARV (thuốc kháng vi rút) vừa uống thuốc dự phòng bệnh lao. Tuần đầu uống thuốc, cơ thể cảm thấy hơi nóng, mệt. Nhớ lời bác sỹ dặn, tôi ăn nhiều trái cây, rau xanh, uống nước mát để giảm nóng. Nhờ uống thuốc đều và khám định kỳ, đến nay, sức khỏe của tôi luôn ổn định”.

Cũng như anh S, anh L, làm nghề lái xe ở xã Quảng Thành (TX Gia Nghĩa)  được phát hiện nhiễm HIV cách đây gần 4 năm, cũng vừa điều trị ARV vừa uống thuốc phòng bệnh lao. Anh L kể: “Qua những đợt khám định kỳ, tôi được bác sĩ cho biết, người nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn những người bình thường và khuyên tôi tham gia điều trị dự phòng bệnh lao tiềm ẩn, nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh lao đối với người nhiễm HIV. Thời gian đầu dùng thêm thuốc lao, cơ thể có đôi chút khó chịu như mệt mỏi, buồn nôn và khó ngủ. Nhờ tích cực, tuân thủ điều trị mà bản thân tôi đến nay vẫn không mắc bệnh lao nên tránh được nguy cơ làm nguồn lây bệnh lao cho người thân và gia đình”.

Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV với hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm là điều kiện cho các bệnh nhiễm trùng cơ hội xâm nhập, trong đó có bệnh lao. Theo bác sỹ Nguyễn Đức Phú – Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, người nhiễm HIV có nguy cơ mắc lao cao gấp 19 lần so với người không nhiễm HIV và có nguy cơ mắc lao kháng thuốc cao. Vì vậy, việc điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV sẽ giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống. Cũng theo bác sỹ Phú, theo chương trình HIV- Lao, tất cả những người nhiễm HIV đã được sàng lọc, dù không mắc bệnh lao vẫn đều được điều trị dự phòng bệnh lao miễn phí.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trong 9 tháng đầu năm, có 19 bệnh nhân HIV mới bắt đầu điều trị ARV, lũy tích bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV trên toàn tỉnh là 291 trường hợp. Hiện có 17/19 bệnh nhân HIV/AIDS mới điều trị ARV được điều trị dự phòng lao (đạt tỷ lệ 89,5%), số còn lại đã được điều trị trước đó hoặc khi tầm soát bệnh nhân đã bị nhiễm lao nên được điều trị bệnh lao theo phát đồ.

Bác sỹ Phú cho biết thêm, lộ trình điều trị dự phòng lao, đối với người lớn, bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị trong 9 tháng; với trẻ em, thời gian dùng thuốc là 6 tháng. Về giai đoạn điều trị lao tiềm ẩn đối với người nhiễm HIV và bệnh nhân HIV/AIDS, Trước khi điều trị ARV bệnh nhân HIV/AIDS sẽ được tầm soát bệnh lao. Nếu bệnh nhân đã nhiễm lao, sẽ điều trị bệnh lao theo phát đồ và tiếp tục điều trị ARV. Nếu bệnh nhân chưa nhiễm lao, sẽ chuyển sang điều trị lao tiềm ẩn. Quá trình uống thuốc điều trị lao tiềm ẩn có thể xảy ra một số phản ứng phụ như người mệt mỏi, buồn nôn, đau và sưng các khớp, đau dạ dày, sốt và phát ban… Các dấu hiệu này thường không gây nguy hiểm và sẽ giảm dần rồi hết hẳn trong 4 tuần đầu chu kỳ uống thuốc. Về đối tượng cần điều trị lao tiềm ẩn, bao gồm người nhiễm HIV đã từng mắc lao trước đó hay không phát hiện có bệnh lao; phụ nữ mang thai nhiễm HIV vẫn có thể điều trị lao tiềm ẩn ngay. Lao tiềm ẩn chỉ chống chỉ định đối với bệnh nhân có dị ứng thuốc với thuốc điều trị lao, bệnh lý về gan... Trong quá trình uống thuốc, khi gặp bất cứ phản ứng gì, bệnh nhân cần liên hệ để bác sĩ kịp thời tư vấn, điều trị.

Nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS

Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong cho hơn ¼ số người nhiễm HIV. Hiện nay, Việt Nam có hơn 200.000 người nhiễm HIV đang còn sống và hàng năm phát hiện khoảng 100.000 bệnh nhân lao, trong đó bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV khoảng 8.000 người.

Điều trị dự phòng mắc lao bằng thuốc Isoniazid (INH) là một biện pháp can thiệp quan trọng về sức khỏe cộng đồng nhằm phòng ngừa bệnh lao ở những người nhiễm HIV và đã được Tổ chức Y tế thế giới và Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khuyến cáo áp dụng từ năm 1998 như một phần trong chiến lược chăm sóc bệnh nhân HIV và AIDS toàn diện.

Đánh giá của Bộ Y tế, sau khi hoàn thành điều trị nhiễm lao tiềm ẩn cho bệnh nhân HIV/AIDS người lớn và trẻ em bằng uống thuốc INH theo thời gian quy định cho thấy: Chỉ chưa đến 1% có các tác dụng không mong muốn, 1% bệnh nhân đang điều trị INH nhưng phát hiện mắc bệnh lao tiến triển. Từ những kết quả này, năm 2012, Bộ Y tế đã hướng dẫn triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, nhiều địa phương đã tổ chức khá tốt hoạt động này và đem lại nhiều hiệu quả  tích cực trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

 


Nguồn:syt.daknong.gov.vn Copy link

Tin liên quan

Tin mới

Giới thiệu

Tin video

Liên kết website